Có đến 5 lần đến Việt Nam kể từ lần đầu tiên năm 2012, nhưng lần thứ 5 đến Việt Nam và có dịp làm việc với một số bộ, ngành, ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh - vẫn để lại nhiều ấn tượng mới. Trong buổi cùng ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì hội thảo liên quan đến vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày 4-3, ông Tony Blair (ảnh) đã chia sẻ những kinh nghiệm trong cải cách DNNN.
Tạo khuôn khổ cho tư nhân phát triển
Mục đích cải cách là cải thiện cuộc sống người dân. Lý do tôi làm nhiều nơi trên thế giới và ở Việt Nam là kinh nghiệm 10 năm làm thủ tướng, tôi học 2 bài học quan trọng nhất. Thứ nhất, cái khó nhất với Chính phủ là nhận được ý tưởng tốt và thực hiện bởi có nhiều ý tưởng hay nhưng thực hiện rất khó. Thứ hai, tất cả cải cách, thay đổi đều khó khăn. Khi đề ra cải cách bao giờ cũng gặp phải sự kháng cự, cản trở.
Kinh doanh trên thế giới đang thay đổi, vì thế việc quản lý cần luôn đổi mới, sáng tạo, phải sử dụng kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất. Việt Nam là thành viên WTO, đang trong quá trình hoàn tất các thỏa thuận thương mại lớn, các DN hoàn toàn có thể tiếp cận cơ hội, kinh nghiệm để có sự sáng tạo, đổi mới... |
Điều quan trọng học được là để một quốc gia tiến bộ, phát triển, phải có cải cách, cụ thể là vai trò DNNN trong cải cách. Bài học với DNNN có liên quan phát triển quốc gia. Các nước phát triển như Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu có nhiều bài học, nhưng có thể học được bài học nào? Đầu tiên nói đến là xu hướng phát triển.
Những năm 40-50 của thế kỷ trước, nhà nước nắm quyền chi phối kinh tế và người ta nghĩ đó là cách để nền kinh tế phát triển, bảo vệ lợi ích người lao động. Nhưng theo thời gian mới nhận ra tính không hiệu quả của mô hình đó. Do vậy, cải cách là quan trọng. Ngay cả ở phương Tây, quá trình tư nhân hóa DNNN lớn cũng gặp rất nhiều chống đối.
Chúng ta đã học được nhiều về cơ chế thị trường và điều rút ra được là nhà nước, chính phủ cần thiết và với nhiều ngành, cần bảo vệ lợi ích người dân, quốc gia, tạo khuôn khổ, trong đó nền kinh tế, trong đó có tư nhân phát triển. Chúng ta cũng học được vai trò DNNN. Chính phủ tốt trong bảo vệ lợi ích chiến lược nhưng không hiệu quả trong điều hành các tổ chức kinh tế, kinh doanh, nhất là chưa thực sự tốt trong đổi mới, tăng sáng kiến trong DN.
Khi không điều phối tốt sẽ xảy ra nhiều điều như khủng khoảng tài chính. Thị trường tốt cho DN đổi mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng về công nghệ, cách điều hành DN.
Khó nhưng phải thay đổi
Trong 20-30 năm qua, trên thế giới, tư nhân hóa DNNN diễn ra nhưng không phải tất cả đều hiệu quả. Nhìn vào nước đang phát triển, bài học có thể áp dụng cho Việt Nam, các nước đang phát triển khác là tất cả thay đổi đều khó khăn. Bởi khi thay đổi hệ thống, bao giờ cũng có người không thích. Họ tin rằng làm việc cho DNNN ổn định hơn. Nhưng dần dần sẽ tạo được lợi ích lớn hơn sự phản kháng.
Bài học từ nước Anh cho thấy cải cách DNNN sẽ thu hút nhiều vồn đầu tư nước ngoài (FDI). Sức mạnh nền kinh tế là kết quả cải cách trong 30 năm qua và điều này không có ai nghi ngờ. Thay đổi bao giờ cũng khó khăn nhưng phải làm.
Với nhân viên trong DNNN, khi bắt đầu cải cách, chúng tôi luôn nhận được sự chống đối. Hiện nay sự phản kháng đó đã không còn. Với quản lý tư nhân, họ cũng đầu tư vào người lao động. Họ chủ động hơn trong đào tạo, tuyển dụng nhân viên mới và bản thân nhân viên cũng nhận ra rằng nếu không thay đổi họ sẽ tụt lại. Công ty có vai trò xã hội, như ngành điện, nước, nếu nói nhà nước sở hữu dễ, nhưng với ngành trên, người dân nói nếu tư nhân hóa làm sao bảo vệ chức năng xã hội của DN. Cái này tranh luận nhiều.
Ở Mexico, Nhật Bản cũng có tranh luận nhưng có thể làm, bằng cách điều tiết, tạo sự bảo trợ. Sự chống đối, bất cứ thay đổi nào cũng có, như chống đối PPP (mô hình đối tác công - tư), chống đối tư nhân hóa, cải cách trong y tế, giáo dục... Vượt qua thế nào, đó là cách thức. Thí dụ, cải cách giáo dục chọn trường để bắt đầu họ nhận định là yếu kém (tất nhiên họ vẫn chống đối). Vấn đề lựa chọn nơi bắt đầu để thể hiện được kết quả. Việc phản đối các cải cách là bình thường và với những cải cách không có phản đối cần xem lại.
Đã từng có nhiều người lập luận chúng ta chỉ có thể bảo vệ được lợi ích công nếu sở hữu DN. Nhưng phải xem các kinh nghiệm, không phải lúc nào nhà nước cũng là người bảo vệ tốt nhất lợi ích người dân. Vai trò chính phủ là quan trọng nhưng không thể quản lý DN tốt được. Nhưng quản lý nhà nước thì đảm bảo DN tuân thủ quy định. Đó mới là điều quan trọng.
Nhìn những nền kinh tế phát triển, họ mở cửa, chuyển vai trò nhà nước sang điều tiết chiến lược, mở rộng khu vực tư nhân, không lưỡng lự đưa ra ý tưởng mới. Công nghiệp xe hơi Anh không phải thay đổi do người Anh mà do người Nhật Bản. Người Anh phải học hỏi. Giờ công nghiệp ô tô của Anh lại thành công.
Nhiều bằng chứng cho thấy vai trò mới DNNN và phương pháp tiếp cận. Nhà nước sở hữu khác với điều tiết, bảo lãnh. Thí dụ, nước Anh do khó khăn tài chính đã quốc hữu hóa ngân hàng, nhưng rồi phải trả lại cho khu vực tư nhân. Nhìn bức tranh lớn chung, có bài học rõ ràng: 30 năm qua các nước mở cửa hơn, khu vực DNNN ít hơn. Các nước áp dụng mô hình này hiệu quả tốt hơn các nước không làm. Vấn đề là làm thế nào hiệu quả, chứ không phải có làm hay không.