Phải cải cách mạnh mẽ hơn
PHÓNG VIÊN: - Năm nay là năm Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, nhân sự kiện này ông đánh giá thế nào về năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam với các nước trong khu vực?
Ông VŨ TIẾN LỘC: - Kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị ASEAN của các doanh nghiệp niêm yết, cho thấy Việt Nam xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN.
Năng lực doanh nghiệp theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, chúng ta cũng chỉ được xếp ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động chưa cao so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp mới chỉ so với mức trung bình của ASEAN.
Đặc biệt, các thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành qua biên giới vẫn nhiều gấp đôi mức trung bình của ASEAN. Nguyên nhân do một số thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành đối với xuất nhập khẩu, chúng ta chỉ làm động tác đơn giản là đẩy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, còn trên thực tế chưa triệt để xóa bỏ.
Việc chững lại trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 đã cảnh báo dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng nếu không cải cách mạnh mẽ hơn chúng ta sẽ tụt lại phía sau.
Theo khảo sát của JETRO, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư yêu thích hàng đầu, nhưng họ đều cho rằng khó khăn lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam là thủ tục hành chính.
Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc xếp hạng về năng lực cạnh tranh - một kết quả ấn tượng. Song về cơ bản, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình của thế giới, chưa lọt vào top 4 ASEAN.
- Năm 2019, Chính phủ đã có những cải cách mạnh mẽ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp, tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trong bối cảnh của nền kinh tế số và đang từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, rất nhiều thủ tục hành chính sẽ được số hóa trong năm 2020, tạo điều kiện để Việt Nam tiến tới gần hơn với mục tiêu trở thành 1 trong 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi trong ASEAN. |
Điều này đồng nghĩa Chính phủ còn phải nỗ lực rất nhiều. Trong bối cảnh của nền kinh tế số và đang từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, rất nhiều thủ tục hành chính sẽ được số hóa trong năm 2020, tạo điều kiện để chúng ta có thể tiến tới gần hơn với mục tiêu trở thành 1 trong 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi trong ASEAN.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp đã phản ánh rất tích cực việc Chính phủ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Trong 3 năm qua đã có hơn 3.000 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi đến VCCI để phản hồi, góp ý, kiến nghị về vấn đề này. Điều đáng mừng, những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp phần lớn đã được các cơ quan chức năng trả lời và giải quyết, hiện chỉ còn “nợ” 20%.
Trong 80% kiến nghị đã được trả lời, có 60% doanh nghiệp hài lòng về kết quả xử lý của các cơ quan chức năng, nhưng cũng vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa hài lòng. Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm, khi các cơ quan chức năng mới giải thích, chưa giải quyết triệt để.
Tất nhiên, để giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp còn gặp khó vì vướng phải những quy định ràng buộc nằm trong các quy định pháp lý. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan chức năng phải cùng lúc giải quyết 2 vấn đề là những xung đột pháp lý, chồng chéo trong luật, đồng thời phải đảm bảo sự minh bạch trong hệ thống pháp luật và trong quá trình thực thi.
Lắng nghe, đối thoại nhưng phải tiếp thu
- Theo ông, năm 2020 vấn đề trọng tâm Chính phủ cần làm để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển là gì?
Những chồng chéo, thiếu minh bạch, thiếu nhất quán trong luật, nghị định hay thông tư, rủi ro cho doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Trong khi hiện nay giữa việc lắng nghe, tiếp thu với việc giải quyết các vấn đề vẫn còn khoảng cách rất lớn. |
Nếu thực hiện tốt, tối thiểu năm nay sẽ cắt giảm từ 5-7% thủ tục hành chính đối với kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện để 1-2 năm tới sẽ đưa về mức như các nước phát triển đang thực hiện.
Thông qua dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các doanh nghiệp có thể kiến nghị Chính phủ, cơ quan chức năng về những nguyện vọng của mình. Tôi cũng hy vọng các cơ quan chức năng sẽ chuyển từ giải thích cho doanh nghiệp trên cơ sở diễn giải luật bằng việc lắng nghe và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, để từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc thực sự mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Thực tế hiện nay cho thấy, giữa việc lắng nghe, tiếp thu với việc giải quyết các vấn đề vẫn còn khoảng cách rất lớn. Do đó, tôi rất hy vọng năm 2020 chúng ta sẽ có bước chuyển lớn trong lĩnh vực này. Phải làm sao cho các bộ, ngành, cơ quan chức năng thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng. Đó là đồng hành với doanh nghiệp, coi thắng lợi hay thất bại, trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như của mình.
Trước mắt, năm nay cần tạo ra sự đột phá trong giải quyết những chồng chéo, xung đột, thiếu minh bạch trong các quy phạm pháp luật. Bởi chừng nào còn những chồng chéo, thiếu minh bạch, thiếu nhất quán trong luật, nghị định hay thông tư, rủi ro cho doanh nghiệp vẫn còn rất lớn.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp là khả thi
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp là khả thi
- Năm nay cũng là năm cuối thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động theo Nghị quyết 35 của Chính phủ. Theo ông mục tiêu này có đạt được?
- Với Nghị quyết 35, Chính phủ đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế. Thực tế, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khó khăn, nhưng không phải không đạt được. Tôi cho rằng mục tiêu này là khả thi nếu chúng ta thay đổi quan điểm về khái niệm kinh doanh hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ.
Tôi ủng hộ quan điểm của Chính phủ đề xuất đưa 5 triệu hộ kinh doanh (trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi (dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 5-2020).
Cụ thể, mỗi hộ kinh doanh đều được đăng ký bởi một cá nhân đại diện cho hộ, tức về bản chất, hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp một chủ theo khái niệm chung của thế giới. Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, hộ kinh doanh cá thể, trước hết là hộ kinh doanh có đăng ký, là một loại hình doanh nghiệp nhưng chưa được coi là doanh nghiệp, trong khi nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.
Tôi muốn nhấn mạnh, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ.
Điều này nhằm để chính danh hộ kinh doanh trong luật, không để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau, bảo vệ, minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh.
Việc này sẽ giúp họ yên tâm làm ăn bài bản, minh bạch hơn và có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi thành các mô hình doanh nghiệp hiện đại, mở mang hoạt động kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.