Cái đẹp là gì?

Trên Facebook cá nhân của mình, một nữ phóng viên Việt Nam có dịp sang Singapore công tác, sau khi xem lễ khai mạc SEA Games 28 tối 5-6 vừa qua, cho rằng con gái Việt ở Singapore ai cũng đẹp nhưng mấy vận động viên nữ của đoàn thể thao Việt Nam diễu hành qua lễ đài chẳng thấy cô nào đẹp.

Trên Facebook cá nhân của mình, một nữ phóng viên Việt Nam có dịp sang Singapore công tác, sau khi xem lễ khai mạc SEA Games 28 tối 5-6 vừa qua, cho rằng con gái Việt ở Singapore ai cũng đẹp nhưng mấy vận động viên nữ của đoàn thể thao Việt Nam diễu hành qua lễ đài chẳng thấy cô nào đẹp.

Không được xem lễ khai mạc SEA Games nhưng theo tôi đoàn thể thao Việt Nam có rất nhiều cô gái đẹp, và người đẹp nhất dĩ nhiên là nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên với nụ cười tươi xinh cùng 8 huy chương vàng trong môn bơi lội. Đó không chỉ là vẻ đẹp giới tính mà còn là biểu tượng thăng hoa của niềm tự hào dân tộc, ý chí quyết thắng, nỗ lực cá nhân và khát vọng vươn lên vì những giá trị cao cả.

Quan niệm về cái đẹp thật ra rất đa dạng và từng cá nhân và thậm chí các lĩnh vực hay ngành khoa học khác nhau đều có những tiêu chí hay phạm vi phân tích khác nhau. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta hay nói đến những bầu trời đẹp, màu sắc đẹp, bông hoa đẹp, con người đẹp và với cánh mày râu là những cô gái đẹp.

Tiêu chuẩn của các cuộc thi hoa hậu đương nhiên phải kể đến các vòng 1-2-3, nước da, dáng đi, mái tóc…  Nhưng nếu có dịp thường xuyên ghé sân bay Changi và tận mắt chứng kiến hình ảnh của nhiều cô gái Việt Nam bị trục xuất về nước vì lý do này hay lý do khác, nghe những câu chuyện chẳng mấy hay ho về phụ nữ Việt trên đảo quốc Sư Tử, bạn sẽ thấy những đôi chân dài “mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” không còn đẹp nữa.

Tại cửa khẩu nhập cảnh ở sân bay Changi, phụ nữ Việt Nam trẻ đẹp thường được công an Singapore hạch hỏi, thậm chí mời vào phòng riêng thẩm tra và lấy dấu vân tay. Cách đây vài năm, tôi có dịp ra sân bay đón một đoàn khách công chức của ta sang công tác, có một nữ cán bộ trẻ không rành tiếng Anh phải ra sau cùng vì một số hiểu lầm đáng tiếc.

Cổ động viên Việt Nam - Indonesia thể hiện tinh thần fair-play trước trận đấu tranh giải 3 môn bóng đá nam.

Cổ động viên Việt Nam - Indonesia thể hiện tinh thần fair-play
trước trận đấu tranh giải 3 môn bóng đá nam.

Cho nên với tôi thành tích của Ánh Viên và các nữ tuyển thủ của ta góp phần vào vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng SEA Games 28 kỳ này tại Singapore chắc hẳn làm thay đổi cái nhìn của người Singapore đối với phụ nữ Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung.

Trên các khán đài cũng có rất nhiều hình ảnh đẹp của cổ động viên Việt Nam, chấp hành quy định và giữ gìn trật tự, không xả rác bừa bãi, thể hiện và tôn vinh bản sắc dân tộc qua màu cờ sắc áo hay các biểu tượng đậm đà chất Việt trong không khí hòa nhã và tinh thần thượng võ. Cảm nhận của riêng tôi trong kỳ SEA Games 28 này, mỗi người Việt Nam từ vận động viên cho đến cổ động viên hay tình nguyện viên đều ý thức được phần đóng góp của mình cho cái đẹp chung của thể thao khu vực.

Vì thế, theo tôi quan niệm về cái đẹp phải gắn liền với yếu tố khỏe và tinh thần thể dục thể thao như hành xử văn hóa trên sàn thi đấu, tuân thủ những luật chơi công bằng, không gian lận, tôn trọng đối phương và tận tụy cống hiến cho đến giây phút cuối cùng của trận đấu.

Trở lại với câu nhận định về cái đẹp trên Facebook trong phần đầu của bài viết, có thể nữ phóng viên nói trên chỉ nói cho vui như một cách làm khuây khỏa đầu óc sau những bài viết chính luận đầy gai góc. Nhưng có lẽ qua kỳ SEA Games này, cô sẽ dành thời gian chơi thể thao nhiều hơn và xem Ánh Viên như một trong những thần tượng đẹp của mình. Và với bài báo này, tôi hy vọng có lẽ cô sẽ phải suy nghĩ lại về những nhận xét vô tư trước đây và sẽ có những bài viết ca ngợi và tôn vinh cái đẹp muôn màu muôn vẻ trong tâm thức và vị thế mới của đất nước và con người Việt Nam.

Singapore, ngày 17-6-2015

Các tin khác