Cái giá của “cao cấp”

Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam-Vina vừa cho biết từ ngày 1-4, Công ty Chestnut Vina xin không điều hành tòa nhà chung cư cao cấp Keangnam. Nguyên nhân được cho là mức phí dịch vụ thấp, công ty không đủ ngân sách vận hành tòa nhà.

Theo Keangnam-Vina, công ty đã mất khả năng thanh toán kể từ khi cư dân Keangnam đến ở vào tháng 3-2011. Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 7-2011, theo đề nghị của cư dân, công ty này đã không thu phí. Và từ tháng 8 đến tháng 10-2011, khi có khoảng 500/900 hộ đến ở thì Keangnam-Vina đã thu phí với mức giá 18.800 đồng/m2/tháng (bao gồm cả VAT) và phí ô tô 850.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, việc áp mức phí quá cao này đã gặp phải sự phản đối của đại bộ phận cư dân trong chung cư. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu chỉ thu với mức phí 4.000 đồng/m2/tháng (bao gồm cả VAT).

Sự rút lui của công ty điều hành đến từ Hàn Quốc có thể coi là một “thắng lợi” của các cư dân tòa nhà hiện đại bậc nhất Việt Nam sau một giai đoạn dài đình công, đấu tranh - thậm chí bằng những phương pháp “chưa từng có” như mắc võng nằm la liệt ở ban quản lý hay đưa bếp than tổ ong ra “hun”.

Tuy nhiên, đối với những ai quan tâm đến sự phát triển đô thị, hẳn nhiên không thấy đây là một tin vui. Bởi lẽ, không cần phân tích, mức phí 4.000 đồng/m2/tháng gần như là mức phí “không tưởng” đối với một chung cư hạng trung, chưa nói đến chung cư cao cấp bậc nhất tại Việt Nam. Mức phí này, dù biết là đúng theo quy định của UBND thành phố nhưng theo nhiều người, có thể coi là hài hước.

Từ đó, yêu cầu của Hà Nội cũng được đánh giá là vội vàng. Bởi lẽ, thay vì có thể có những biện pháp “mềm dẻo” hơn như thống nhất mức phí giữa người dân và chủ đầu tư hoặc tổ chức thanh tra độc lập về mức phí, thúc đẩy quá trình thành lập Ban quản trị tòa nhà… yêu cầu mang nặng tính hành chính của thành phố đã làm khó cho cả đôi bên.

Trên thực tế, việc Keangnam chơi “không đẹp” hay“đẳng cấp” cư dân sống ở tòa nhà này chưa xứng tầm đã được đặt ra ngay từ thời điểm mới xảy ra tranh chấp. Theo nhiều chuyên gia, ngay từ khi đặt bút ký hợp đồng, nhiều người hoàn toàn không lường đến mức phí mình sẽ phải chi trả cho sự “cao cấp” kèm theo.

Chính vì không chuẩn bị tâm lý này, đa số cư dân chưa từng sống ở chung cư cao cấp sẽ bị “sốc”, dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Theo Keangnam-Vina, hiện các cư dân tòa cao ốc này đã tự nguyện đóng 3 mức phí: Những người đã từng sống và làm việc ở nước ngoài hoặc đã ở chung cư cao cấp tiếp tục đóng mức phí 18.800 đồng/m2/tháng; còn đại đa số cư dân đóng mức phí 4.000 đồng/m2/tháng và một số ít không chịu đóng tiền.

Bỏ qua chuyện công ty quản lý “dỗi” không tiếp tục quản lý tòa nhà, bỏ qua lý do chính đáng của cư dân về một mức phí dễ chịu, tòa nhà này sẽ có bộ mặt như thế nào trong thời gian kế tiếp vẫn là một câu hỏi lớn. Liệu với mức phí 4.000 đồng/m2/tháng, tòa nhà này sẽ vẫn trụ vững với vị trí tòa nhà hiện đại bậc nhất Việt Nam hay sẽ nhanh chóng xuống cấp khi không đủ chi phí để bảo trì, bão dưỡng? Và mức phí nào là hợp lý?

Câu chuyện của Keangnam một lần nữa là minh chứng cho việc lúng túng trong quản lý đô thị tại các thành phố lớn của các cơ quan chức năng. Sự việc ở Keangnam không phải là lần đầu, mà việc quản lý nhà chung cư và khu đô thị đã trở thành vấn đề nóng của Hà Nội.

Thiết nghĩ, đã đến lúc thành phố Hà Nội nên thể hiện rõ hơn vai trò giám sát, quản lý của mình đối với loại hình nhà ở dễ nảy sinh phức tạp này, bởi lẽ trong tương lai, chắc chắn không chỉ có một khu nhà như Keangnam.

Các tin khác