Bản đồ rủi ro về điều kiện làm việc tại những doanh nghiệp (DN) được lựa chọn trong ngành sản xuất điện tử sẽ được lập để đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.
Ngày 9/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) chính thức khởi động dự án “Cải thiện số lượng và chất lượng việc làm thông qua các phương thức thực hành lao động trách nhiệm tại Việt Nam” thực hiện từ năm 2015-2017 với tổng kinh phí 481.822 USD.
Theo ông René Robert, Quyền Giám đốc ILO tại Việt Nam, dự án sẽ góp phần khuyến khích các công ty đa quốc gia đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội thông qua những phương thức thực hành lao động trách nhiệm xã hội tại Việt Nam, trong đó chú trọng vào ngành điện tử.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, dự án sẽ lập một bản đồ rủi ro về điều kiện làm việc tại những DN được lựa chọn trong ngành sản xuất điện tử. Hoạt động này sẽ giúp tăng cường năng lực của thanh tra công, nhằm xác định những vấn đề chính liên quan đến những hành vi không tuân thủ quan hệ lao động lành mạnh trong các DN.
Cùng với đó, dự án cũng khảo sát về các sáng kiến trong các công ty đa quốc gia hoạt động trong ngành điện tử. Khảo sát này sẽ xác định được mối quan hệ giữa hoạt động thanh tra lao động công với hệ thống kiểm định tư nhân, từ đó sẽ tạo cơ chế cho 2 hoạt động có thể củng cố lẫn nhau.
Ở cấp quốc gia, dự án sẽ xây dựng và triển khai hiệu quả các chiến lược trong nước về phát triển kinh tế toàn diện và việc làm vì người nghèo; phát triển DN bền vững; cải thiện quản trị lao động và tuân thủ luật lao động thông qua triển khai và giám sát hiệu quả pháp luật lao động và tăng cường năng lực thể chế của các tổ chức người sử dụng lao động.
Giải thích lý do chọn ngành điện tử là đối tượng nghiên cứu của dự án, ông Robert cho rằng, ngành điện tử đang là một trong những nguồn xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 36,2 tỉ USD trong năm 2014. Ngành điện tử cũng tuyển dụng khoảng 250.000 người lao động tại 500 công ty.
Sự thiếu hụt của việc làm bền vững trong lĩnh vực này bao gồm các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, hậu quả của việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, công việc bấp bênh, mức lương trung bình, thiếu quyền thỏa ước tập thể và tự do hội họp.
VCCI cho biết, kết quả của dự án sẽ được sử dụng trong các cuộc tọa đàm giữa Nhật Bản và các nước tiếp nhận đầu tư châu Á nhằm mục đích tăng cường cam kết của Chính phủ Nhật Bản và các DN đa quốc gia đầu tư vào châu Á để thúc đẩy các thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia hưởng lợi của dự án này, nhưng đây là một phần của một sáng kiến lớn hơn trong khu vực, do vậy, kết quả của dự án cũng được kỳ vọng ở mức cao hơn, đó là góp phần xác định mô hình hợp tác hiệu quả giữa nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư FDI.