Cải thiện để thu hút nhà đầu tư Đức

Nếu nhìn quanh các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam là 1 trong 3 lựa chọn đầu tư được các DN Đức nhắm tới ngoài Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, để hấp dẫn các DN nước ngoài, Việt Nam cần cải thiện một số vấn đề.

Nếu nhìn quanh các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam là 1 trong 3 lựa chọn đầu tư được các DN Đức nhắm tới ngoài Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, để hấp dẫn các DN nước ngoài, Việt Nam cần cải thiện một số vấn đề.

Phát triển lao động tay nghề cao

Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hóa. Do vậy, Việt Nam rất cần hấp thụ các nguồn đầu vào quan trọng như vốn và công nghệ từ các nước phát triển. Hiện nay 90% DN Đức là DNNVV. Nếu các DNNVV của Đức đầu tư vào Việt Nam họ sẽ thực hiện các dự định, kế hoạch đầu tư dài hạn từ 15-20 năm.

Hiện tại chỉ là bước khởi đầu, nhưng để vận hành máy móc công nghệ hiện đại cần công nhân, lao động có trình độ tương ứng. Việt Nam đang có ưu thế về lao động giá rẻ, nhưng chất lượng nguồn lao động còn thấp; những DN đầu tư các dự án cần nguồn lao động giá rẻ hàm lượng công nghệ thấp, nếu muốn phát triển dự án công nghệ cao sẽ chuyển đi nơi khác.

Do đó, Việt Nam đang đứng trước thách thức nâng cao chất lượng nguồn lao động. Hiện Đức có nền kinh tế phát triển dựa trên sự đổi mới, nên có thể hỗ trợ về vấn đề công nghệ lẫn đào tạo nguồn lao động chất lượng cao để Việt Nam giải quyết các vấn đề trên.

Việt Nam đang tăng trưởng kinh tế trên 4%, dự báo cả năm 2012 mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 5% và đến năm 2020 con số này sẽ lên đến 6,2%. Năm 2011, Việt Nam là nước lạm phát cao nhất ASEAN với mức 18,6%; nguồn tín dụng với lãi suất cho vay trung bình lên đến 15%/năm; nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, trong các khu vực sản xuất lại thường xuyên mất điện, gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư; nhiều vướng mắc khi đầu tư và hoạt động tại Việt Nam.

Đơn cử một DN dệt may Đức là đơn vị đầu tiên đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990. Khi đó, trong giấy phép đăng ký kinh doanh ghi rõ thuế TNDN sẽ được giảm trong vòng 40 năm. Nhưng đến năm 2012, cơ quan thuế thông báo vì Việt Nam đã gia nhập WTO từ năm 2007, nên quy định miễn giảm thuế không còn hiệu lực nữa. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, dù Việt Nam đã gia nhập WTO thì các quy định mới cũng chỉ có hiệu lực với các hợp đồng ký từ đó trở đi.

Tận dụng phát triển cơ hội

Khi một công ty Đức đến Việt Nam sẽ có 3 lựa chọn kinh doanh là đầu tư, mua hàng và bán hàng. Về đầu tư, môi trường kinh doanh ở Việt Nam rất thuận lợi cho DN Đức. Xét về các rào cản thâm nhập thị trường ở Đông Nam Á, Singapore là thị trường thuận lợi nhất, sau đó đến Việt Nam.

Ở Thái Lan, muốn lập công ty, nhà đầu tư phải có 3 thành viên sáng lập, ở Indonesia là 5 thành viên, trong khi ở Việt Nam chỉ cần 1 thành viên.

Hệ thống điện gió lắp đặt tại Bình Thuận với thiết bị hiện đại của Fuhrlaender, một hãng chế tạo thiết bị phong điện nổi tiếng thế giới của CHLB Đức.

Hệ thống điện gió lắp đặt tại Bình Thuận với thiết bị hiện đại của Fuhrlaender,
một hãng chế tạo thiết bị phong điện nổi tiếng thế giới của CHLB Đức.

Khi đầu tư sản xuất, giấy phép thành lập công ty, giấy phép kinh doanh được cấp nhanh, thủ tục hải quan trong khu vực công nghiệp cũng có khuôn mẫu sẵn nên chỉ sau 8 tháng tiến hành đầu tư, DN đã có thể triển khai sản xuất. Nhưng về bán hàng thì khó hơn, DN tham gia bán lẻ sẽ cạnh tranh với các DN Việt Nam, nên giấy phép bán hàng, thành lập hệ thống phân phối phải mất ít nhất 2 năm mới được cấp.

Đồng thời, vốn đầu tư quy định đối với các công ty bán lẻ phải lên đến hàng triệu USD. Các công ty bán lẻ lại không được đặt trụ sở ở Việt Nam mà phải đặt ở các nước khác như Singapore và mở văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Về mua hàng, các công ty Đức nhận thấy nhà cung cấp Việt Nam đáng tin cậy, đảm bảo chất lượng. Thời gian đầu, muốn tìm nhà cung cấp tại Việt Nam cũng khó và mất nhiều thời gian. Các lô hàng đầu tiên được giao thường không ổn về chất lượng, nhưng DN Đức thích giao thương với DN Việt Nam, vì sau khi có lô hàng không đạt yêu cầu, nhà nhập khẩu có thể trao đổi rõ ràng minh bạch với nhà cung cấp để cùng giải quyết vấn đề, điều này tạo ra sự tin cậy và quan hệ kinh doanh lâu dài.

Dù đánh giá cao về thị trường Việt Nam, nhưng hiện mức đầu tư của các DN Đức vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Vì vậy Việt Nam cần cải thiện những bất cập để thu hút vốn đầu tư từ Đức. Với các dự án nhà đầu tư Đức đang thực hiện tại Việt Nam cho thấy xu hướng hợp tác đầu tư sắp tới sẽ là các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao để tăng cường sức cạnh tranh trong nước.

Chẳng hạn như nhà máy điện gió tại tỉnh Bình Thuận, chuyên về năng lượng tái tạo là một hướng đi mới để bảo vệ môi trường; dự án khí điện đạm Cà Mau nhằm đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng đang hoạt động với các phần mềm tự động hóa do Công ty Siemens cung cấp; dự án hạ tầng cứng như tuyến Metro số 2 tại TPHCM do ADB và Ngân hàng Tái thiết Đức hỗ trợ vốn, cung cấp trang thiết bị, dịch vụ tư vấn để tăng cường năng lực hạ tầng.

Các tin khác