Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Chính phủ, trước hết cần nâng cao chất lượng đối thoại với doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá từ phía cộng đồng DN về Nghị quyết 02/NQ-CP ở mức độ nhất định, DN và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, DN gặp nhiều khó khăn hơn khi chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng, nhiều DN phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động, số DN tạm dừng hoạt động tăng kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Những lúc khó khăn này, DN rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, ông Lê Anh Văn nhìn nhận, cần nâng cao chất lượng đối thoại giữa DN với các sở ngành ở địa phương. “Một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Tuyên Quang tổ chức các buổi gặp gỡ doanh nhân do Hiệp hội chủ trì, qua đó các lãnh đạo địa phương có thông tin, từ đó kịp thời có chỉ đạo các Sở, ngành. Tuy nhiên dù sao đây cũng là các mô hình ở dạng tự phát, chưa có hướng dẫn cụ thể nên cần nhân rộng các mô hình này”, ông Văn kiến nghị.
Phản hồi chung từ cộng đồng DN cũng cho thấy, mức độ quan tâm về cải cách môi trường kinh doanh của các Bộ, ngành và địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và không như cộng đồng DN kỳ vọng. Đánh giá từ một số bảng xếp hạng quốc tế về cải cách môi trường kinh doanh cũng cho thấy sự giảm sút, khi một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững, một số chỉ tiêu và thứ hạng của Việt Nam đã giảm so với các năm trước đây.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chỉ ra, so với năm 2021, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam giảm 4 bậc, chỉ số phát triển bền vững tuy duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc, từ 51 xuống bậc 55. Mức độ tham gia Chính phủ điện tử cũng giảm 2 bậc, từ 70 xuống 72.
“Nhìn chung việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế vừa trải qua khó khăn của dịch Covid-19, cũng như đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp cần sự vào cuộc quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các Bộ, ngành và địa phương”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, sang năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế Việt Nam thậm chí sẽ khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn. Đây cũng là tinh thần xây dựng Nghị quyết 02 cho năm 2023 của Chính phủ trong thời gian tới.
Do đó, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp tích cực phản biện và tham vấn chính sách, phản ánh thẳng thắn các vấn đề, vướng mắc, khó khăn và đề xuất các kiến nghị chính sách cụ thể, các sáng kiến thực thi có tính thực tiễn, hiệu lực và hiệu quả về cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian tới.
Qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập hợp những kinh nghiệm và giải pháp này để báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào cuối năm nay, làm cơ sở dự thảo xây dựng Nghị quyết 02 cho năm 2023 hiệu quả và trách nhiệm./.