Cải thiện năng suất lao động để giữ chân doanh nghiệp FDI

(ĐTTCO) - Ngày 28-4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam: Nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng”.
Báo cáo Năng suất Việt Nam 2020 (do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR và Viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản xây dựng) công bố tại hội thảo cho thấy, đang có sự mâu thuẫn nhất định giữa việc cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng VEPR, những năm gần đây tăng trưởng năng suất lao động khu vực chế biến chế tạo và FDI chững lại. Giai đoạn trước năm 2000, FDI thâm dụng vốn và công nghệ chiếm đa số (khai thác mỏ, năng lượng, xe máy, ô tô, khuôn đúc,...). Sau đó, FDI quy mô lớn, thâm dụng lao động, định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử,...). Các hoạt động này có giá trị gia tăng trong nước thấp và năng suất lao động thấp. 
Cải thiện năng suất lao động để giữ chân doanh nghiệp FDI ảnh 1
Theo ông Thành, vấn đề này chủ yếu là chính phủ đã chưa thành công trong việc nâng cấp ngành/khu vực này theo hướng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao hơn, không giống như chiến lược “Manufacturing++” của Malaysia (trong thập niên 1990) hoặc chính sách FDI mới của Thái Lan (2015).
Nếu tiền lương tiếp tục tăng, FDI sẽ không nâng cấp mà chỉ đơn giản là rời khỏi Việt Nam - một tình huống “bẫy thu nhập trung bình” điển hình. Cùng với đó, thu hút FDI không tự động củng cố các doanh nghiệp trong nước hoặc kích hoạt sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước chủ nhà trước tiên phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết.
“Các doanh nghiệp FDI cũng coi Việt Nam là nơi diễn ra các công việc đơn giản và không có lý do gì để điều chỉnh chiến lược này. Thất bại chính sách và thái độ như vậy của các doanh nghiệp FDI là hai mặt của cùng một vấn đề. Điều này có nghĩa chiến lược các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là họ lựa chọn việc sử dụng lao động giá rẻ với các quy trình giản đơn, cho thấy Việt Nam vẫn nằm ở phần trũng, giá trị thấp” - PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhận xét.
Báo cáo cũng cho biết, năng suất lao động của Việt Nam phát triển qua 3 giai đoạn: Tăng trưởng nhanh (1991-1995), chững lại (1996-2012) và phục hồi (từ 2013 - đến nay). Tăng trưởng năng suất lao động cao nhất trong khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực hai), theo sau đó là khu vực dịch vụ (khu vực ba).
Trong khi đó, khu vực nông, lâm và thủy sản (khu vực một) có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cũng như mức năng suất lao động thấp nhất. Tuy nhiên, tăng trưởng năng suất lao động của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành xây dựng (những ngành đóng góp gần 42% vào GDP) lại không ấn tượng theo các tiêu chuẩn toàn cầu, thậm chí tăng trưởng bắt đầu suy giảm.

Các tin khác