Song nhìn lại 3 quý đầu năm 2017, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) khá khả quan. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%.
Mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, phản ánh rõ bức tranh kinh tế tổng thể. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,8 điểm phần trăm. Như vậy có thể thấy, công nghiệp và dịch vụ là hai lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2017, phản ánh các DN trong lĩnh vực này hoạt động kinh doanh sôi động hơn.
Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể vẫn nổi lên những điều đáng lo, đó là số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2017 lên đến 8.736 DN, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 8.022 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8%. Số DN tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng lên đến 49.345 DN, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 18.499 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,5% và 30.846 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 7,1%.
Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cơ bản nhất vẫn là giá đầu vào lên quá cao trong khi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài; bên cạnh các chính sách, điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh, thuế… thay đổi liên tục theo hướng bất lợi cho DN. Đã vậy giá trị đầu ra không tăng lên tương ứng, bởi cạnh tranh trên thị trường quyết liệt khi xuất hiện thêm nhiều sản phẩm ngoại.
Bên cạnh đó, nhiều DN thể hiện sự lo lắng trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% đối với đa số hàng hóa trong thời gian tới. Chính sách thuế vẫn luôn có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN dù nhiều hay ít.
Mặc dù thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng, song trên thực tế tác động của thuế đối với người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng phụ thuộc vào độ co giãn cung - cầu hàng hóa, dịch vụ. Đối với những hàng hóa, dịch vụ mà độ co giãn thấp (các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu) người tiêu dùng sẽ chịu phần lớn gánh nặng thuế. Đối với những loại hàng hóa, dịch vụ mà độ co giãn cao, nhà sản xuất, kinh doanh sẽ phải chịu phần lớn gánh nặng thuế.
(TPHCM)