Tại cuộc họp về rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện tổ chức đầu tuần này, nhóm công tác liên ngành do Bộ Kế hoạch - Đầu Tư (KH-ĐT) chủ trì, cho biết hiện vẫn còn tới 398 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mang tính chất như những giấy phép kinh doanh.
Trong số này, Bộ Công Thương là “nhà vô địch” trong việc ra điều kiện gia nhập thị trường với 68 ngành nghề kinh doanh phải có điều kiện, tiếp theo là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn với 58 loại giấy, Bộ Giao thông vận tải có 31, Ngân hàng Nhà nước có 30 loại…
Kết quả của đợt rà soát vừa qua cho thấy các bộ, ngành tiếp tục đưa ra quá nhiều điều kiện kinh doanh. Cách đây 10 năm, khi Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp qua rà soát có 500 loại giấy phép con đã kiến nghị bãi bỏ còn khoảng 300, nay lại vọt lên 398. Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ KH-ĐT, con số 398 đã lạc hậu. Bởi số liệu cập nhật của cơ quan này cho thấy loại hình kinh doanh có điều kiện đã lên tới con số 425.
Loại bỏ những loại giấy phép con không cần thiết là yêu cầu Chính phủ đặt ra để cải thiện môi trường kinh doanh. Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, nếu làm tốt được việc này có thể giúp tăng 1% GDP, tương đương 2 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, đây là một cuộc chiến đầy cam go, bởi các bộ, ngành đặt ra giấy phép con không dễ dàng từ bỏ quyền và lợi ích ban phát của mình.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt với mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Không ít lần, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta, mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn”. Tuy nhiên, cách làm nhận phần dễ về mình, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp,“cái gì không quản được thì cấm” vốn đã ăn sâu trong tư duy quản lý từ nhiều năm nay không dễ thay đổi.
Chính vì thế, một nhóm công tác liên ngành rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện do Bộ KH-ĐT chủ trì đã được thành lập. Một chuyên gia kinh tế từng tham gia Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp trước đây nhận định: “Là người tham gia chiến đấu bãi bỏ 256 giấy phép đợt trước, tôi thấy tình hình bây giờ phức tạp hơn và khó khăn hơn nhiều”. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần trao quyền năng mạnh hơn cho nhóm công tác lần này, để có thể thực sự loại bỏ được các loại giấy phép con không cần thiết.
Đương nhiên, mục tiêu của việc rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phải là bỏ đi càng nhiều thủ tục càng tốt, mà phải làm rõ cái gì cần thì giữ lại, còn không cần thì bỏ - như lời của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông phát biểu tại cuộc họp. Bộ, ngành nào nếu không bỏ được giấy phép con phải nêu rõ được lý do, phải công khai, minh bạch các điều kiện để doanh nghiệp và người dân biết nhằm tránh tình trạng xin - cho. Đồng thời, giảm bớt được gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch.
Trong quá trình rà soát, các bộ, ngành phải trả lời tại sao phải có giấy phép và ngược lại, nếu bỏ thì hệ lụy là gì? Nếu lý do không thực sự thuyết phục thì phải xem lại cả tính hợp lý và tính cần thiết của các điều kiện kinh doanh cụ thể. Về tính rõ ràng và cụ thể, các điều kiện kinh doanh mang tính định tính quá nhiều phải được loại bỏ để tránh tình trạng nay thế này, mai thế kia.
Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thông tin, việc đăng tải thông tin về điều kiện kinh doanh trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia là thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, trong phương thức rà soát, ngoài các chuyên gia độc lập, cần có các đại diện là những người thực thi điều kiện kinh doanh như doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề... vào nhóm công tác rà soát, để thu được kết quả mang tính khách quan.