Bất cứ người dân nào của Hà Nội và TPHCM đều nhận thấy được những tiêu cực của xe máy như tai nạn giao thông, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, chiếm dụng diện tích ở, diện tích công cộng và tốn chi phí cho nó, do vậy việc loại bỏ nó là cần thiết. Sang các nước phát triển thấy con trẻ mỗi sớm mai tự đến trường bằng xe bus, metro thấy mà ham.
Về nguyên lý phát triển, anh muốn bỏ cái toàn dân đang cần phải có cái thay thế tương đương hoặc tốt hơn, nếu không chỉ là khẩu hiệu. Một người phụ nữ dứt sữa để yên tâm đi làm lại là khi có các sữa khác tốt như sữa mẹ, chẳng hạn Similac, Meiji, Optimum Gold…
Đó là “lý thuyết thay thế tương đương”. Trong khi đó hơn 90% phương tiện di chuyển của người dân đô thị Việt Nam hiện nay là xe máy.
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận xe máy là phương tiên giao thông cá nhân tối ưu nhất hiện nay, bởi đặc tính linh hoạt, cơ động, chi phí rất rẻ (tính theo km) và phương tiện cũng rất rẻ, bất cứ sinh viên, người lao động nào chỉ cần 4-5 triệu là mua được xe máy. Nó được coi là “đôi chân nối dài” của người lao động.
Bây giờ bỏ xe máy, được thôi nhưng thay thế bằng gì mới là câu hỏi quan trọng nhất. Con đường duy nhất là phát triển giao thông công cộng (GTCC) với các loại hình khác nhau, đảm nhiệm ít nhất 70% lượng người di chuyển thực tế trên địa bàn mỗi ngày.
Sáng 16-12, Sở GTVT TPHCM chính thức khai trương dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực nội ô, như một cách bổ sung cho liệu pháp giảm xe máy. TP cũng đã tiến hành làm 7 tuyến metro, tuyến số 1 khởi công năm 2006, dự tính năm 2024 chạy thử và 2025 chính thức khai thác thương mại, như vậy mất gần 20 năm cho 19,7km, còn tuyến số 2 mới giải phóng mặt bằng được một nửa.
Trong khi đó, tuyến xe bus nhanh (BRT) đầu tiên ở TPHCM chưa đưa vào vận hành, hệ thống xe bus hoạt động không hiệu quả mỗi năm TP phải trợ giá gần 1.500 tỷ đồng, việc đưa xe minibus vào hoạt động vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, còn hệ thống đường sắt trên cao vẫn chỉ là ý tưởng.
Bức tranh GTCC ở Hà Nội cũng không khá hơn. Tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào vận hành sau 10 năm dài chờ đợi, nhưng cũng chỉ 13km, còn tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội 12,5km cũng mất 10 năm xây dựng.
Tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội không phát huy tác dụng, xe bus điện chưa cho thấy dấu hiệu khả quan. Với tốc độ xây dựng như vậy, đến 2030 khó có thể nói Hà Nội và TPHCM có được hệ thống GTCC phủ kín.
Nhưng phương tiện thay thế đơn giản là xe buýt hiện thiếu an toàn, kém chất lượng...
Để triệt tiêu xe máy, ngoài giải pháp phát triển GTCC, còn giải pháp khác là đưa người dân vào thế không còn sự lựa chọn nào. Hay nói cách khác Nhà nước phải cắt được nguồn cung, tức loại bỏ xe máy ra khỏi đời sống, người dân buộc phải đi xe công cộng, đi xe đạp và đi bộ. Đây là giải pháp mang tính cưỡng bức, nặng về hành chính, làm khó người dân không sở hữu và sử dụng xe máy nữa.
Thực tế những năm qua Chính phủ đã ban hành khá nhiều chính sách liên quan đến xe máy nhưng không mang lại kết quả. Chẳng hạn, tăng mức thuế mua xe máy lên 15%, tăng thuế đường, thuế xăng dầu cao hơn, mỗi người chỉ được mua 1 xe máy, hạn chế xe máy đi vào khu trung tâm… Tuy nhiên, việc hạn chế xe máy trước hết phải bắt đầu từ nơi sản xuất.
Hiện nay ở Việt Nam có nhiều hãng sản xuất xe máy như Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM, mỗi năm tung ra thị trường hàng trăm ngàn xe máy. Riêng hãng Honda đã sản xuất và tung ra thị trường Việt Nam gần 20 triệu chiếc. Không cho các hãng này sản xuất và bán ra thị trường nội địa là bít được nguồn cung.
Nhưng điều này rất khó bởi các hãng này đóng thuế rất cao và giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Còn muốn cấm nhập khẩu, xe máy phải được đưa vào danh mục loại hàng hóa tiêu thụ đặc biệt, không được tự do nhập.
Đối với số xe đang lưu thông cần có kế hoạch cấm các loại xe hết hạn sử dụng và tiêu hủy theo lộ trình. Song điều này không dễ đối với Hà Nội và TPHCM. Như Hà Nội hỗ trợ cho chủ sở hữu mỗi xe cũ nát 4 triệu đồng nhưng người dân không hưởng ứng.
Thêm nữa, trong khi Chính phủ có xu hướng cấm xe máy, nhưng lại mở cửa cho xe hơi, khuyến khích sản xuất xe hơi nội địa, giảm thuế trước bạ cho xe nhập khẩu, làm các bãi giữ xe ngầm, xe trên cao, bãi xe tự động. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo Hà Nội, TPHCM sẽ chuyển từ kẹt xe máy sang kẹt xe hơi khủng khiếp hơn.
Lối thoát tốt nhất cho giao thông các TP lớn là phát triển GTCC tiện ích. Theo đó, nếu có được các phương tiện GTCC nhanh, sạch sẽ, an toàn, giá rẻ, phủ kín khắp TP, không cần phải vận động hay xử phạt, người dân sẽ tự nguyện bỏ xe máy để sử dụng GTCC. Điều này chúng ta cần phải học Singapore và một số TP của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cùng với phát triển GTCC, tất cả phương thức, giải pháp hạn chế xe máy không để cho gia tăng quá nhanh là điều cần làm, không đợi đến lúc có hệ thống GTCC lý tưởng mới xóa xe máy. Phấn đấu làm sao số xe máy chỉ dừng ở mức như hiện nay, với TPHCM 7,5 triệu chiếc. Còn nếu mỗi ngày có thêm 750 chiếc xe máy mới đăng ký, con đường cấm xe máy vào năm 2030 cực kỳ nan giải.
Lối thoát tốt nhất cho giao thông các TP lớn là phát triển GTCC tiện ích. Theo đó, nếu có được các phương GTCC nhanh, sạch sẽ, an toàn, giá rẻ, phủ kín khắp TP, không cần phải vận động hay xử phạt, người dân sẽ tự nguyện bỏ xe máy để sử dụng GTCC. |