Cần bộ tiêu chí cấp độ dịch linh hoạt

(ĐTTCO) - Tại buổi làm việc với đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, các doanh nghiệp Mỹ mong muốn Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế, không trở lại phong tỏa khi các ca lây nhiễm xuất hiện. 
Cần bộ tiêu chí cấp độ dịch linh hoạt
Để thực hiện điều này, cần sự phối hợp với các tiêu chuẩn của dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.  
Trong dự thảo này có chỉ số quan trọng là số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần. Theo dự thảo, chỉ số này chia làm các mức từ 20 ca trở xuống, 20-50 ca, 50-150 và từ 150 ca mắc mới trở lên tại cộng đồng/100.000 dân/tuần. Các địa phương căn cứ vào các chỉ số này để quyết định cấp độ dịch và từng bước mở cửa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Nói cách khác, địa phương phải tùy cấp độ dịch để đưa ra phương án mở cửa sản xuất hay không thể tiếp tục sản xuất.
Điều này đã đẩy tình thế khó cho địa phương. Bởi lẽ, dự đoán số ca bệnh là điều khó khăn và thực tiễn của việc dự báo này trên thế giới và cả ở Việt Nam, cho thấy chênh lệch giữa số dự báo ca bệnh trong tình huống tốt nhất và xấu nhất cách nhau 5-10 lần là bình thường. Điều đó còn có nghĩa nếu địa phương xác định mức độ an toàn để sản xuất dưới 50 ca bệnh mới/100.000 dân/tuần, nhưng vài ngày sau số ca tăng mạnh từ 20 lên hơn mức này, phải dừng sản xuất, không còn an toàn nữa. Kết quả các doanh nghiệp ở khu vực đó phải đóng cửa lại. 
Như vậy không doanh nghiệp nào có thể sản xuất với cái “án tử” treo trên đầu như thế. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài sản xuất theo phương án lâu dài hơn, theo đơn hàng, không phải làm ngày nào tính ngày đó.
Tình hình như vậy sẽ khiến nhiều công nhân lo ngại không biết hết việc làm lúc nào và họ sẽ không dám ở lại khu vực đó để sản xuất nữa, thà về quê còn hơn.
Với đô thị lớn như TPHCM, điều này càng phức tạp hơn vì khả năng số người nhiễm bệnh vượt 150 ca/100.000 dân/tuần vẫn hiện hữu, vì không biết chính xác có bao nhiêu ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Ngoài ra, khi kinh tế mở cửa đón chuyên gia và khách quốc tế, với vị thế là trung tâm kinh tế, thương mại, rủi ro lây nhiễm cộng đồng càng lớn. Những diễn biến ở Israel, Anh và gần đây là Singapore, cho thấy dù trên 70% người dân tiêm chủng 2 mũi vaccine không có nghĩa không có lây nhiễm ca bệnh.
Nước Anh với khoảng 67% người dân đã tiêm xong 2 mũi vaccine vẫn đang có 30.000-40.000 ca bệnh mới mỗi ngày. Sự khác biệt nằm ở chỗ số ca bệnh trở nặng giảm mạnh và số tử vong chỉ khoảng 40-150 ca/ngày, thấp hơn hẳn so với số cả ngàn người tử vong ở đỉnh dịch khi chưa tiêm đủ vaccine. 
Khi chúng ta đã xác định sống chung với dịch, mục tiêu tối thượng phải giảm số ca tử vong và bệnh nặng, không phải số ca bệnh. Dù số ca bệnh tăng cao sẽ ảnh hưởng đến số tử vong, nhưng tác động của số ca bệnh đến tỷ lệ tử vong phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác như năng lực chăm sóc y tế, mức độ phủ vaccine, ý thức giãn cách xã hội của người dân…
Vì vậy không nên áp đặt một chỉ tiêu về số ca bệnh cho một thành phố có tỷ lệ người dân đã tiêm một mũi vaccine khá cao làm thước đo chủ yếu để phân loại cấp độ dịch. Và càng không nên để nó trở thành căn cứ để địa phương từng bước mở cửa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
TPHCM đã đề xuất bộ quy định riêng để mở cửa nền kinh tế, trong đó đề xuất thay chỉ tiêu ca bệnh bằng chỉ tiêu số ca nặng và tử vong/100.000 dân/tuần. Đây là đề xuất hợp lý và cần được xem xét.
Bộ tiêu chí “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo sát các đề xuất của WHO và có tính khoa học, đáng để tham khảo. Tuy nhiên, nó không phải là hướng dẫn của WHO, cũng không phải là bộ tiêu chí duy nhất.
Chẳng hạn ở Anh, tiêu chí để phân loại các nhóm rủi ro từ 1-5,  số ca bệnh mới mỗi tuần chỉ là một trong những tiêu chí dịch tễ tham khảo, bên cạnh các tiêu chí được chú ý hơn như hệ số R, số ca nhập viện có tăng quá 25%, hay số ca bệnh cần sử dụng ICU có tăng quá 25% hay không…
Nói cách khác, khi đã tiêm vaccine, số ca bệnh chỉ là phần nhỏ trong bộ 7-8 tiêu chí dịch tễ để đánh giá rủi ro và mức độ dịch bệnh. Về cơ bản, thích ứng an toàn phải linh hoạt như cách dự thảo nói. Vì thế, đặt tiêu chí duy nhất liên quan đến số ca bệnh đã đánh mất bản chất linh hoạt dự thảo hướng tới. 

Các tin khác