-Là người từng tham gia và theo dõi hoạt động của nhiều “tổ công tác đặc biệt”, ông có nhận định gì về việc thành lập tổ công tác lần này?
- TS Nguyễn Đình Cung: Việc thành lập tổ công tác lần này dựa trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 17-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, theo tôi hiểu, tổ được thiết kế chủ yếu để nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, cả về số lượng và chất lượng.
Như Quyết định 1242 nêu rõ, tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư; giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan.
Bên cạnh đó, tổ công tác giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc… Nghĩa là hướng đến các dự án rất cụ thể chứ không phải là xúc tiến đầu tư chung chung.
Lần này Thủ tướng đã bổ sung thành phần, điều chỉnh quy chế hoạt động để tăng thêm thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ.
- Ông vừa nhắc đến “dự án tốt theo tiêu chí của mình”. Ông có thể nói rõ hơn?
- Có những dự án tốt về mặt lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhưng với xã hội thì không. Như tôi biết, đến nay, chúng ta vẫn chưa có một bộ tiêu chí đầy đủ với định lượng cụ thể để lựa chọn nhà đầu tư.
Ví dụ, chúng ta đặt ra mục tiêu thu hút các dự án công nghệ cao, nhưng công nghệ thế nào gọi là công nghệ cao, vì mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những tiêu chuẩn, quy chuẩn hết sức khác biệt, không nói chung chung được. Tiêu chuẩn môi trường của từng lĩnh vực cũng rất cần.
Bên cạnh đó, chúng ta muốn tăng tính lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài, cụ thể là “kéo” được các nhà đầu tư trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước. Muốn làm được việc này phải có tiêu chí cụ thể như: Chuyển giao công nghệ, nhưng chuyển cho ai? Ai sẵn sàng nhận công nghệ? Muốn nhà đầu tư chuyển giao thì phải tạo điều kiện gì cho họ?…
Với một vị lãnh đạo Chính phủ (ở đây là Phó Thủ tướng), cũng với các bộ trưởng, trưởng ngành, Tổ công tác đặc biệt này có đủ thẩm quyền để giải quyết nhiều vấn đề. Nhưng, tôi cho rằng, trong tổ công tác cần có những người không ở trong bộ máy hành chính, những người toàn tâm toàn ý cho việc thu hút đầu tư.
- Vẫn có các cơ quan của Chính phủ làm nhiệm vụ này thường xuyên, thưa ông?
- Không, không phải những công chức hành chính làm công tác quản lý đầu tư mà là những người có kinh nghiệm kinh doanh thực sự, có nhãn quan kinh doanh nhạy bén, có khả năng thiết kế các dự án để “chào hàng” một cách thuyết phục. Phải có được những gói dự án với cơ chế hỗ trợ, khuyến khích riêng làm “vũ khí” trong đàm phán. Bởi vì với những nhà đầu tư lớn, những “đại bàng” chúng ta muốn họ đến làm ăn, cũng rất nhiều bên mời chào, thu hút.
- Ông nghĩ thế nào về cơ chế “sand box” cho các dự án tiên phong trong lĩnh vực của họ và vai trò của tổ công tác đặc biệt này trong việc tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo?
- Phải có một hệ sinh thái cho những thử nghiệm và trao đổi. Có vẻ như những “khu công nghiệp công nghệ cao” hiện nay đều chưa tạo ra được hệ sinh thái cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo nảy nở, phát triển. Nhưng, trong câu chuyện này thì cần có nhà đầu tư dẫn dắt, đề xuất cơ chế, chứ người quản lý hành chính không thể nghĩ ra được.
Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải chọn lựa, phải thay đổi, đầu tiên là khâu xúc tiến đầu tư. Hiện nay, trong thời gian đại dịch, lượng đầu tư nước ngoài giảm rất nhiều, khoảng 50% trên toàn thế giới, tỷ suất lợi nhuận của các nhà đầu tư cũng giảm.
Năm 2020, Mỹ ghi nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm đến 40%, dù vẫn giữ vững vị trí là điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng có xu hướng thận trọng hơn, quay về chính quốc nhiều hơn… Thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư có chất lượng, vì thế, càng khó khăn hơn.
Tuy vậy, bên cạnh những lợi thế sẵn có, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội đến từ xu hướng dịch chuyển nguồn đầu tư.
Vấn đề là chúng ta phải xác định rõ những tiêu chí thu hút, lâu nay vẫn gọi là nôm na là “bộ lọc” để có được những dự án tốt, như đã nói ban đầu. Đã đến lúc chúng ta cần lựa chọn, không tiếp nhận tất cả, không lãng phí nguồn lực cho những dự án không đem lại giá trị gia tăng đáng kể, hoặc cái giá môi trường phải trả quá lớn.
Nếu chưa có điều kiện để khai thác hiệu quả thì hãy để dành cho thế hệ sau.