Xuất thân từ Khoa Văn của Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội, nên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn không khó khăn nhận ra “văn mẫu dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò”.
Tẩy chay văn mẫu là ý tưởng rất hay, nhưng làm sao để thực hiện? Suốt 2 tháng qua, đề tài văn mẫu vẫn thu hút sự tranh luận của giới chuyên môn. Văn mẫu không đơn giản là câu chuyện của giáo dục, còn là câu chuyện của xã hội.
GS. Trần Đình Sử, người được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trực tiếp mời hiến kế đẩy lùi văn mẫu, cho rằng cần thay đổi tận gốc phương pháp dạy học ngữ văn theo hướng dạy học đọc hiểu văn bản (không riêng gì văn bản văn học) và làm văn sáng tạo. Sức ỳ của lối dạy giảng văn, “nhá chữ” xưa cũ rất nặng nề.
Nhiều thầy cô thích khoe tài giảng hay, nói khéo, nói ngọt trên lớp, mà không thấy rằng tài năng đích thực của thầy cô thể hiện ở chỗ dạy cho học trò có năng lực đọc hiểu được văn, viết được bài làm văn có ý riêng sáng tạo. Thầy cô nói hay cũng có tác dụng truyền cảm hứng cho các em, nhưng nói càng nhiều càng ức chế sức suy nghĩ tưởng tượng của các em. Các em thấy không có gì để nói thêm nữa, thế là chỉ có cách theo văn mẫu của thầy mà thôi.
Thầy cô nên ít nói mà gợi mở nhiều cho học sinh tư duy, khích lệ những mầm mống biết suy nghĩ của học trò, thực hiện nhiều bài tập phát huy sức sáng tạo cho người học. GS. Trần Đình Sử nhấn mạnh: “Đọc hiểu văn bản chẳng có gì cao siêu, mà yêu cầu học sinh đọc hiểu câu chữ trong bài, mối liên kết các câu, đoạn, câu chuyện, nhân vật, hình ảnh để từ đó ngộ ra cái chủ đề, tình cảm, thông điệp của người viết. Cũng đừng yêu cầu mọi học sinh đều phải hiểu và phát biểu răm rắp như nhau, miễn là cái ý học sinh nắm bắt được có căn cứ vào câu chữ, hình tượng trong bài là khuyến khích. Chống cách hiểu mò như thầy bói sờ voi”.
Theo PGS.TS La Khắc Hòa, khái niệm văn mẫu ở ta bây giờ có nghĩa riêng, nó được dùng để chỉ những bài văn làm sẵn dành cho những đề thi có sẵn, học trò chỉ cần học thuộc để chép lại là có thể thi đỗ. Nhiều người còn nhớ, vào niên học 1989 – 1990, Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn bộ sách “Đề thi đại học” ở tất cả môn thi. Đề thi đại học môn văn khi đó có chừng 200 đề, chia thành 2 tập, có kèm theo cả đáp án vạch đủ các ý chính cần có cho bài làm. Trong đó, người ra đề và làm đáp án là những giáo sư đầu ngành, như GS. Hà Minh Đức, cố GS. Phan Cự Đệ, GS. Nguyễn Đình Chú… Dựa vào đáp án có sẵn do các giáo sư đầu ngành vạch ra, nhiều người cũng thi nhau biên soạn sách luyện thi với những bài làm sẵn dành cho những đề có sẵn.
Văn mẫu là gánh nặng của ngành giáo dục, nhưng vì sao vẫn tồn tại? TS. Trịnh Thu Tuyết, nhiều năm là giáo viên dạy Văn ở Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, lý giải: “Tâm lý thông thường của hội chứng đám đông khiến con người thường mong tìm thấy sự an toàn trong đồng phục, thích bắt chước đám đông, thích làm theo khuôn mẫu hơn là sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân, thể hiện cái tôi cá nhân, bản ngã cá nhân. Ngoài ra, nguyên nhân khá quan trọng đưa tới hiện trạng khuôn mẫu trong nhà trường hiện nay chính là tâm lý vị thành tích, lười biếng tư duy, sợ đổi mới, sợ khác biệt”.
Tuy nhiên, theo Th.S Nguyễn Trọng Bình, Trường Đại học Cửu Long - Vĩnh Long, nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất của vấn nạn văn mẫu chính là căn bệnh “đồng phục” trong nhận thức và tư duy của toàn xã hội đặt trong cái nhìn về mục tiêu của nền giáo dục nói chung; mục tiêu và quan niệm của việc dạy học văn trong nhà trường nói riêng.
Chính sự đồng phục và rập khuôn này đã tác động và chi phối toàn bộ quá trình từ việc thiết kế chương trình, biên soạn nội dung các bộ sách giáo khoa ngữ văn cho đến cách thức, phương pháp dạy và ra đề môn văn của thầy cô giáo trong trường phổ thông hiện nay.
Th.S Nguyễn Trọng Bình kiến nghị: “Cần kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản các bộ sách ăn theo chương trình và sách giáo khoa môn ngữ văn nhằm phục vụ và đối phó với các kỳ thi của học sinh để kiếm thành tích. Đặc biệt, đã đến lúc cần nghiêm cấm những người vừa tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa nói chung, đồng thời lại chủ trương biên soạn các loại sách mẫu nấp dưới danh nghĩa sách tham khảo hay “hệ thống kiến thức môn văn” cho học sinh ở tất cả cấp học”.
Cùng quan điểm, PGS.TS La Khắc Hòa cho biết cùng với sáng tác, từ những năm 1980, nghiên cứu, phê bình văn học của ta cũng ngán ngẩm loại văn mẫu lấy xã hội học dung tục làm điểm tựa, nên nhiều người đã tìm tới thi pháp học, phân tâm học, ký hiệu học và các hướng tiếp cận hiện đại khác. Cho nên việc xã hội lên tiếng chống lại văn mẫu trong nhà trường là bước đi tất yếu.
Giờ đây chỉ cần Bộ Giáo dục-Đào tạo thay đổi cách ra đề thi theo hướng mở hơn, chắc chắn sẽ thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, quyết định hủy bỏ văn mẫu chưa chắc đã được giáo viên và học sinh ủng hộ. Thực tế cũng chứng minh, những ai muốn đổi mới thi cử, xóa bỏ hoàn toàn văn mẫu, chỉ có cách đi du học nước ngoài. Nhiều người gọi đó là “tị nạn giáo dục”. Cho nên, đoạn tuyệt với văn mẫu không dễ.
TS. Nguyễn Ái Học, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, kỳ vọng: “Môn văn muốn trở nên có ý nghĩa hơn, hấp dẫn hơn trước hết phải ở trong một xã hội bình thường. Một xã hội bình thường là xã hội quân bình được văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, trong đó con người luôn ý thức, khát vọng việc nhân văn hóa mọi hoạt động của mình. Trong khi chờ đợi một xã hội như thế nhà trường hãy làm việc bình thường nhất là trả môn văn về đúng vị thế của nó.
Đó là môn học về một ngành nghệ thuật. Một chương trình nhẹ nhàng với những văn bản tác phẩm thuần túy tinh hoa về văn chương dân tộc và nhân loại, những giờ học nhẹ nhàng, linh động, dẫn dắt học sinh đi vào thế giới thẩm mỹ, khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ, từ đó môn văn sẽ trở nên hấp dẫn như bản chất của chính nó”.