Cần chính sách mới để thị trường tiền tệ, trái phiếu, BĐS phát triển an toàn

(ĐTTCO)-Ngày 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.

Tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Chính phủ đã tích cực có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây nhất đã ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai Thông tư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mặt thời gian.

Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng của quý I năm nay thấp hơn đà tăng trưởng của quý I/2022, đòi hỏi phải đánh giá lại, phân tích, trên cơ sở đó phải đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp, tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ, khi tình hình cần thiết, các ngân hàng phải vào cuộc để cùng Chính phủ điều tiết chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo thời cơ thuận lợi mới, hạn chế rủi ro, “biến nguy thành cơ”; không ngồi chờ mà phải hành động, nhưng muốn vậy phải thống nhất về nhận thức, ý chí, quan điểm. Lúc cộng đồng doanh nghiệp khó khăn như hiện nay thì rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải sử dụng hết công cụ để tiếp tục khơi dậy sức mạnh, huy động nguồn lực cho phát triển nói chung. Trong lúc khó khăn này cần phải chung tay giúp sức, cộng đồng trách nhiệm để tháo gỡ mọi vướng mắc, phát triển đất nước.

Thủ tướng yêu cầu phải phân tích, theo dõi, dự báo tình hình, đưa ra giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để giải phóng, huy động mọi nguồn lực của xã hội, tạo động lực, tạo cảm hứng, xung lực cho phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, huy động mọi nguồn lực của xã hội.

Chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta cần xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới đột phá để các thị trường tiền tệ, trái phiếu, bất động sản có thêm nguồn lực, động lực để phát triển an toàn, lành mạnh, phục vụ 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, sử dụng hết công cụ đã có để tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá trên cơ sở hết sức cụ thể: vướng mắc pháp lý ở đâu, ai giải quyết, bao giờ xong?

Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất; Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xác định giá đất nhanh chóng trên tinh thần nhanh chóng, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tiên phong trong giảm lãi suất đầu vào; tiết giảm các chi phí, đổi mới công nghệ, tăng cường chuyển đổi số, tạo dư địa để phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh cần chú ý 2 điểm: đó là khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp. Về cách làm, phải đưa ra lộ trình, căn cứ vào dự báo thị trường, phải làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo. Có các gói hỗ trợ lãi suất; rà soát lại các đối tượng ưu tiên; đa dạng hoá cách tiếp cận khách hàng; tìm khách hàng mới có khả năng và hỗ trợ họ.

Đối với thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính phải thực hiện tốt Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ vừa ban hành; chủ động hơn và có giải pháp cụ thể, không chung chung; phải bàn bạc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tìm ra tiếng nói chung, giải pháp chung, tăng cường quản lý hiệu quả, tăng cường niềm tin của thị trường, để họ cùng hiến kế hiệu quả, có lợi cho đất nước, cho trái chủ mua trái phiếu trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần theo dõi, đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai hai Thông tư 02 và 03 của Ngân hàng Nhà nước; chỉ đạo các tổ chức tín dụng sớm có hướng dẫn nội bộ, chủ động đánh giá, theo dõi, trích lập dự phòng rủi ro...; kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng, giảm thiểu các hành vi trục lợi; hướng dẫn và phối hợp truyền thông, triển khai thành công các chính sách đã ban hành.

Về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, phải rà soát bởi khi triển khai thực hiện dễ xảy ra tiêu cực, trục lợi, lợi dụng chính sách, do đó phải có kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi; theo dõi diễn biến tình hình thế giới, trong nước để điều hành giảm lãi suất phù hợp, hiệu quả; sớm điều chỉnh gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Bộ Tài chính sớm hoàn thành hồ sơ trình phương án giảm thuế 2%, các loại thuế, phí khác; phương án giãn, hoãn thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp, trình các cấp có thẩm quyền xem xét; khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị định 08 và Nghị quyết 33 của Chính phủ; chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; khẩn trương hoàn thiện, đánh giá tác động và đề xuất phương án để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công;

Bộ Tài chính sớm rà soát điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để có điều chỉnh phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển kênh này ngày càng nhiều; có phương án sửa đổi Nghị định 65 phù hợp Nghị định 08 của Chính phủ; kịp thời phối hợp Ngân hàng Nhà nước có phương án tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng thương mại nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước xác định “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực của sự phát triển;” trong lúc khó khăn, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” Nhà nước bằng công cụ của mình đưa ra các giải pháp hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người dân

“Giải pháp của Chính phủ là chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, chứ không phải là áp dụng các biện pháp cực đoan, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế,” Thủ tướng khẳng định.

Các tin khác