Cần chính sách phục hồi ngành thép

2012 là 1 năm đầy biến động và khó khăn cho các DN ngành thép. Bước sang năm 2013, dự báo ngành thép vẫn chưa thể phục hồi. Hiện các DN trong ngành đang rất cần các chính sách tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm vốn và đầu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2013.

2012 là 1 năm đầy biến động và khó khăn cho các DN ngành thép. Bước sang năm 2013, dự báo ngành thép vẫn chưa thể phục hồi. Hiện các DN trong ngành đang rất cần các chính sách tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm vốn và đầu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2013.

Khó khăn kéo dài

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2012 sản lượng thép các loại sản xuất trong nước đạt 9,1 triệu tấn, trong đó thép xây dựng 5 triệu tấn, thép ống 0,6 triệu tấn, tôn mạ các loại đạt 1,3 triệu tấn... nhưng tiêu thụ thép xây dựng chỉ đạt 4,5 triệu tấn, giảm 10% so với năm 2011.

Sản lượng thép xây dựng cũng đã giảm khoảng 14% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết năm 2012 dự báo sức tiêu thụ thép tăng khoảng 3-4% so với năm 2011, nhưng thực tế lại âm đến 9%.

Trong thời điểm rơi vào mùa xây dựng nhưng sức tiêu thụ thấp hơn những năm trước 100.000-200.000 tấn/tháng.

Dù sức cạnh tranh sẽ rất lớn, nhưng nếu Chính phủ có chính sách kích cầu đối với ngành xây dựng cũng như các ngành tiêu thụ sản phẩm thép để tạo đầu ra cho ngành, DN hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra. Riêng Vnsteel, để đạt mục tiêu đóng góp 2% tăng trưởng cho toàn ngành, công ty sẽ phải tăng sản lượng sản xuất và mức tiêu thụ khoảng 12%.

Ông VŨ BÁ ỔN,
Phó Tổng giám đốc Vnsteel

Trong năm qua, Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) chỉ sản xuất khoảng 2,1 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ, đạt khoảng 77% kế hoạch đề ra. Dù đã cắt giảm sản xuất nhưng đơn vị này đang tồn kho đến 101.000 tấn phôi thép, 123.000 tấn thép cán dài, 4.000 tấn thép cán dẹt, 30.000 tấn sản phẩm sau cán.

Bên cạnh đó, thuế quan đối với thép nhập khẩu từ các nước được giảm xuống nên thép ngoại ồ ạt tràn vào gây lũng đoạn thị trường, khiến các DN càng khó khăn hơn. Do sức tiêu thụ kém, đa số DN phải cắt giảm sản xuất để tránh lỗ, một số DN ngừng các dự án đầu tư hay mở rộng hoạt động vì không có vốn.

Ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc Vnsteel, nhận định 2012 là năm ngành thép gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay. Chính sách tín dụng siết chặt, sự đóng băng của thị trường bất động sản và nguồn thép nhập khẩu tăng đã khiến các DN thép trong nước rơi vào cảnh lao đao.

Vnsteel hiện có 41 đơn vị chủ yếu sản xuất thép xây dựng, nhưng trong năm 2012 đã có 10 đơn vị bị lỗ. Hầu hết các công ty đều phải cắt giảm sản xuất, điều chỉnh sản lượng, kế hoạch theo nhu cầu của thị trường nên công suất hoạt động chỉ đạt 40-50% so với năng lực sản xuất. Thậm chí do không tiêu thụ được, một số nhà máy chỉ chạy khoảng 30% công suất để duy trì sản xuất, giữ chân lao động.

Đại diện Công ty Thép miền Nam cũng chia sẻ, các DN sản xuất đang phải cạnh tranh rất gay gắt với thép nội lẫn thép ngoại. Do giá thành nguyên vật liệu tăng cao nhưng suốt một thời gian dài các DN phải thực hiện chiến lược giảm giá để cạnh tranh nên hoạt động sản xuất không ổn định như trước.

Nhu cầu tiêu thụ quá thấp, thị trường bất ổn nên nhiều DN đã chết lâm sàng, còn việc điều chỉnh, cắt giảm sản xuất đối với các công ty còn duy trì được là điều không tránh khỏi, đơn vị này cũng đang cắt giảm đến 10 ngày sản xuất để điều chỉnh lại sản lượng. 

Nỗ lực trong năm 2013

Theo các chuyên gia, năm 2013 các DN ngành thép còn đối mặt với hàng loạt vấn đề tồn đọng từ năm trước như tồn kho cao, giảm công suất hoạt động, thiếu vốn đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, năm 2012 trong ngành cũng đã có một số DN vẫn cán đích lợi nhuận như CTCP Thép Việt Đức đạt doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, CTCP Hoa Sen lãi 350 tỷ đồng, Tập đoàn Hòa Phát cán mức lợi nhuận 1.100 tỷ đồng…

2013 dự báo vẫn là năm khó khăn cho ngành thép.

2013 dự báo vẫn là năm khó khăn cho ngành thép. 

Đó là những tín hiệu cho thấy ngành thép vẫn có cơ hội phát triển trong khó khăn. Dù còn nhiều thách thức nhưng trong năm 2013, toàn ngành vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 3%.

Tuy nhiên, sắp tới CTCP China Steel Sumikin Việt Nam chuyên sản xuất thép xây dựng và thép tấm lá sẽ gia nhập vào thị trường nội địa với công suất hoạt động 1,2 triệu tấn nên các DN phải nỗ lực hơn nữa để cạnh tranh giành thị phần.

Trước mục tiêu của ngành thép trong năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng các DN trong ngành thép cần tập trung nâng cao năng lực quản lý, triển khai những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm trong sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh, lựa chọn những dự án khả thi, đạt được hiệu quả cao để đẩy nhanh tiến độ.

Bộ Công Thương đã phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch ngành thép và trình lên Chính phủ để tái cơ cấu ngành thép, xóa bỏ tình trạng đầu tư tràn lan vượt tầm kiểm soát nhằm ổn định lại nền sản xuất trong nước; cùng Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn đối với thép nhập khẩu nhằm bảo vệ DN nội.

Vì vậy, DN cũng có thể đóng góp thêm ý kiến để cơ quan quản lý ban hành các chính sách bảo hộ sản phẩm hợp lý để giảm sức ép cạnh tranh với thép ngoại trên sân nhà.

Các tin khác