Toàn cảnh dự án điện gió Nam Bình 1. Ảnh: TTXVN |
Từ cuối tháng 3, tại cuộc họp với EVN về đàm phán giá điện tái tạo chuyển tiếp, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, cùng các nhà đầu tư khác cũng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, đơn vị liên quan cho phép các dự án được ghi nhận sản lượng lên lưới, với giá “tạm tính” chỉ bằng 90% giá điện nhập khẩu, tương ứng 6,2 cent/kWh. Đề xuất này đưa ra vì nhiều dự án đã hoàn thành nhưng bị “đắp chiếu” không thể đóng điện.
Các nhà đầu tư đã sẵn sàng giảm giá bán và EVN cũng đã thúc giục nhà đầu tư nộp hồ sơ đàm phán. Thế nhưng, hạn chót là ngày 31-3, chỉ có 4/85 chủ đầu tư có hồ sơ đề nghị đàm phán và đến ngày 27-4 cũng mới có 20/85 hồ sơ gửi.
Nguyên nhân có thể xuátt phát từ việc cả 2 bên đều nhận thấy “khó mua, khó bán” do vướng cơ chế, thiếu hướng dẫn chi tiết. Đến nay, Bộ Công Thương chỉ hướng dẫn khung theo Luật Điện lực, mà chưa hướng dẫn chi tiết các thông số đầu vào, nguyên tắc xác định giá. Do 2 bên không chốt được giá do các chủ đầu tư cho rằng, mức giá trần của điện tái tạo chuyển tiếp thấp hơn 20% so với giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) ưu đãi 20 năm từng được đưa ra trước đây. Còn bên xây dựng khung giá lại cho rằng, những năm gần đây, giá đầu vào của thiết bị năng lượng tái tạo đã giảm rất nhiều so với trước kia nên phải giảm giá mua điện đầu vào.
Nếu giá bán lẻ vẫn giữ nguyên như áp dụng từ năm 2019, đến hết tháng 5, EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản, cả năm 2023 sẽ tiếp tục bị lỗ 64.941 tỷ đồng. Thực tế, EVN đang nợ tiền mua điện của nhiều nhà đầu tư những tháng qua. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, mấu chốt nằm ở giá điện bán lẻ. Việc cho phép EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3% kể từ ngày 4-5 là giải pháp cốt lõi để EVN giảm lỗ, đồng thời có dòng tiền thanh khoản với dự án cũ.
Ở khía cạnh khác, thực tế trên cũng báo động tình trạng phát triển ồ ạt, thừa công suất nguồn của loại hình năng lượng tái tạo. Mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo đang chiếm gần 30% công suất đặt nguồn, nhưng tỷ lệ huy động từ năng lượng tái tạo chỉ chiếm 14-15% sản lượng điện toàn hệ thống.
Phần vì giá điện tái tạo đắt hơn thủy điện nhưng phần quan trọng hơn là điện tái tạo không ổn định công suất, thiếu tin cậy. Chẳng hạn, điện mặt trời chỉ mạnh vào buổi trưa, điện gió chỉ mạnh vào các tháng 12, 1 và 2; biến động theo mùa, thậm chí giữa các thời điểm trong ngày; hoạt động kém vào các tháng 4, 5 và 6.
Vì vậy, Việt Nam vẫn có nguy cơ thiếu điện dù thừa điện gió, điện mặt trời. Để ổn định công suất cho hệ thống, vẫn phải duy trì thủy điện, nhiệt điện. Do đó, Chính phủ và Bộ Công thương cần xem xét lại quy hoạch năng lượng tái tạo theo lộ trình hợp lý hơn, được kiểm soát cùng với tiến độ của công nghệ lưu trữ.
Chỉ khi có công nghệ lưu trữ giá rẻ, đảm bảo an ninh năng lượng thì mới có thể chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mạnh mẽ hơn.