Mục tiêu rất lớn
Năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02% so với mức tăng chỉ 2,58% vào năm 2021. Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 1997, một kết quả ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn và biến động. Trong khi đó, quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đi song hành với sự tăng trưởng của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa.
Vì thế, năm 2023 Việt Nam đã đặt ra 4 mục tiêu cho quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm: (i) không phát triển thêm nhà máy điện than mới sau năm 2030; (ii) tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo để tận dụng thế mạnh của Việt Nam; (iii) tìm hiểu, tiếp cận sớm các công nghệ sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp như hydro xanh; amoniac xanh và (iv) cải thiện hạ tầng truyền tải và phân phối của hệ thống điện quốc gia.
Tiếp nối các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, việc ký kết Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) giữa Nhóm Đối tác Quốc tế và Việt Nam vào tháng 12-2022, sẽ hỗ trợ cho các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của Việt Nam và sự tăng đáng kể của năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030.
Điều này cũng đồng nghĩa Chính phủ, các tổ chức đa phương, khu vực tư nhân, ngân hàng và những tổ chức lớn có tham gia lĩnh vực năng lượng đều đồng ý rằng: Lợi ích kinh tế ngắn hạn không thể bù đắp lại những tác động tiêu cực đến môi trường, và có đủ giải pháp thay thế bền vững hơn để theo đuổi những mục tiêu.
Theo đại diện các DN FDI tại Việt Nam, những cam kết về phát thải và phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đã được phản ánh trong dự thảo Quy hoạch điện VIII vào tháng 12-2022. Quy hoạch này còn ước tính chi phí đầu tư 142 tỷ USD (126 tỷ USD cho phát điện và 16 tỷ USD cho lưới truyền tải điện) trong giai đoạn 2021-2030, phần lớn nguồn vốn đầu tư này phải đến từ khu vực tư nhân.
Do đó, việc sửa đổi Luật Điện lực gần đây sẽ tạo ra khuôn khổ thu hút thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, đại diện các DN FDI cho rằng, cần cải thiện khung pháp lý hơn nữa nhằm thu hút nguồn vốn cần thiết để giảm dần sự phụ thuộc vào điện than.
Đồng thời, việc này còn hỗ trợ các dự án năng lượng chất lượng cao nhận được vốn từ thị trường tài chính quốc tế, tạo động lực cho DN FDI yên tâm đầu tư.
Nhưng thiếu cơ chế phù hợp
Vẫn theo đánh giá của các DN FDI, biểu giá điện hỗ trợ (FiT) cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang không được như kỳ vọng. Đến nay, hàng ngàn MW công suất của những dự án này phải chờ xác định giá bán điện phù hợp theo khuôn khổ pháp lý hiện hành, do dự án không đáp ứng được thời hạn tính đến ngày vận hành thương mại (COD) để được hưởng giá FiT ưu đãi.
Mới đây, dù Bộ Công Thương ban hành cách xác định khung giá cho các dự án chuyển tiếp này, cũng vẫn cần thêm thời gian để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các NĐT thống nhất giá bán cụ thể cho từng nhà máy điện.
Do tác động của đại dịch toàn cầu, các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời, cũng như hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà, không tránh khỏi sự chậm trễ và kéo dài thời gian xây dựng. Đây là lý do khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, kịp thời có giải pháp cho những dự án chuyển tiếp này là cần thiết hơn bao giờ hết, trong khi chờ chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo.
Nhìn ở khía cạnh điều tiết của Nhà nước, năng lực tài chính của EVN là yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc phát triển ngành điện bền vững. Bởi đây là cơ sở cho hợp đồng mua bán điện khả thi về mặt tài chính (PPA). EVN không thể tiếp tục trợ giá và chịu lỗ khi bán điện. Trên hết, cần sửa đổi các quy định liên quan để góp phần giải quyết những rào cản trong việc thu hút vốn.
Điều quan trọng, cần hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh để có tiêu chí rõ ràng làm cơ sở cho việc cấp tài chính xanh.
Các dự án điện không nối lưới, đặc biệt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái dưới hình thức hợp đồng mua bán điện PPA tại chỗ và hình thức tự đầu tư sẽ tiếp tục phát triển. Các dự án không nối lưới này đã chỉ ra rằng, bên phát điện và bên tiêu thụ điện có thể cùng nhau xây dựng các thỏa thuận mua bán điện dài hạn bền vững, để EVN xác định giá khi kết nối vào lưới điện quốc gia.
Trong bối cảnh Việt Nam ký kết JETP, từ đó mở ra nguồn tài chính quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam, các DN FDI hy vọng Chính phủ cho thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), và nên sớm được phê duyệt.
“Chương trình thí điểm này là một cơ chế quan trọng để thu hút các NĐT, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư tư nhân. Do đó, chúng tôi hy vọng có được sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc trình duyệt chương trình thí điểm DPPA để chương trình này có thể được triển khai trong quý đầu tiên của năm 2023” - kiến nghị của nhóm các DN FDI nhấn mạnh.
Thực tế, không riêng DN FDI, mà DN trong nước đầu tư lĩnh vực năng lượng cũng rất mong muốn cơ chế mua-bán điện trực tiếp được phê duyệt. Bởi đây là chính sách công bằng giúp các DN năng lượng tái tạo yên tâm dốc vốn đầu tư phát triển vào dự án điện.
Theo cơ chế này, bên bán là DN, NĐT phát triển dự án có thể dự báo được doanh thu trong dài hạn nhờ chủ động được sản lượng phần lớn hoặc toàn bộ điện sản xuất, sẽ chắc chắn được mua bởi khách hàng có uy tín với giá bán điện được cố định trong dài hạn.
Điều này giúp các đơn vị phát triển dự án giảm thiểu tối đa rủi ro tài chính và dễ dàng hơn trong tiếp cận các dòng tiền để tiếp tục phát triển đầu tư dự án.
Cần có sự tính toán cụ thể và minh bạch cơ chế bù trừ giữa bên bán và mua điện, như các khoản phí sản xuất điện, phí truyền tải, phí phân phối và dịch vụ.