Cần cơ chế đặc thù cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM

(ĐTTCO) - Ngày 4-5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cùng với nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai, dự án đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội là một trong những dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng cũng đang tích cực được triển khai đầu tư. Theo kế hoạch, hai dự án trên sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư ngay tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV trong tháng 5 này.
Chia sẻ tại tọa đàm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm thông tin, đối với dự án đường Vành đai 3 của TPHCM, Chính phủ đã chấp thuận phương thức triển khai theo hình thức đầu tư công. Trong tờ trình mà Chính phủ đã trình Quốc hội, TPHCM sẽ là cơ quan đầu mối, điều hành tổng thể trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Về vấn đề tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, TPHCM và các tỉnh đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Sau khi Quốc hội thông qua, các địa phương sẽ bắt tay ngay vào triển khai. Theo tiến độ, dự kiến cuối năm nay sẽ giải phóng mặt bằng để cuối năm sau sẽ khởi công.
“TPHCM đã thống nhất cao với các tỉnh, sau khi xem xét đánh giá năng lực, khả năng nguồn vốn, cũng như đã tham mưu, báo cáo Chính phủ, các tỉnh thành sẽ đóng góp ngân sách khoảng 50% để tham gia vào dự án”, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết.
Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM, dự án đường Vành đai 3 TPHCM có tổng mức đầu tư khoảng 75.400 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2020-2025 là 81%, tức 61.000 tỷ đồng. TPHCM và Bình Dương tham gia vốn ngân sách địa phương lớn nhất: TPHCM là 24.000 tỷ đồng, Bình Dương 9.600 tỷ, Đồng Nai khoảng 2.000 tỷ đồng, Long An khoảng 1.000 tỷ đồng.
TPHCM và các tỉnh đã rà soát lại đầu tư công trung hạn, các nguồn dự kiến và đã báo cáo HĐND thảo luận và đã có nghị quyết, cam kết với Chính phủ, Quốc hội sẽ bảo đảm việc bố trí nguồn lực ngân sách địa phương triển khai dự án. Trong giai đoạn 2021-2025, các tỉnh thành sẽ rà soát lại đầu tư công trung hạn, bảo đảm đầu tư có trọng tâm trọng điểm, ưu tiên ngân sách cho dự án đường Vành đai 3; rà soát để tăng thu từ nguồn đấu giá quỹ đất cũng như nguồn vốn hợp pháp khác; vay lại Chính phủ từ trái phiếu...
Đối với dự án đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng đang là điểm mấu chốt để bảo đảm tiến độ dự án. Hà Nội và TPHCM đều kiến nghị cơ chế đặc thù cho chỉ định thầu đối với công tác này.
Theo ông Dương Bá Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, giải phóng mặt bằng là nút thắt cho tất cả các dự án, đây là sức ép cho các địa phương. Từng địa phương phải đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, đồng thời linh hoạt trong sử dụng vốn, nơi này chưa được thực hiện thì chuyển cho chỗ khác, tránh tình trạng tắc nghẽn nguồn vốn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng nhấn mạnh, Bộ GTVT đã cùng TPHCM phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho Chính phủ để Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho hai dự án.

Các tin khác