Cần Giờ hướng đến thành phố xanh

(ĐTTCO) - Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, ĐTTC đã có buổi trò chuyện cùng ông NGUYỄN VĂN HỒNG, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, về những vấn đề phát triển của Cần Giờ trong thời gian tới.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ trở thành mạng lưới kết nối huyện Cần Giờ với các khu vực lân cận. Ảnh: HẢi QUỲNH
Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ trở thành mạng lưới kết nối huyện Cần Giờ với các khu vực lân cận. Ảnh: HẢi QUỲNH

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, Nghị quyết 12-TU/NQ ngày 26-9-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM xác định: “Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành TP biển mang đặc trưng của một TP tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường”. Cần Giờ đã triển khai thực hiện nghị quyết này ra sao?

Ông NGUYỄN VĂN HỒNG: - Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Cần Giờ luôn xem việc ban hành Nghị quyết 12 về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 là bước ngoặt mới với niềm tin, kỳ vọng của lãnh đạo TP đối với huyện Cần Giờ. Cũng chính vì thế, Cần Giờ có nhiều nỗi lo và trăn trở làm sao để xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của lãnh đạo TP.

Do đó, ngay khi Nghị quyết 12 được ban hành, Huyện ủy Cần Giờ đã ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 12 cùng 3 kế hoạch, gồm (1) quản lý và phát triển các nguồn lực; (2) quản lý nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ; (3) đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an dân trong việc triển khai Nghị quyết 12.

c76407750d2aa674ff3b-8010.jpg

Theo đó, UBND huyện đã xác định cụ thể những tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, vướng mắc cùng những thách thức. Hiện nay huyện đã trình và được UBND TP ban hành danh mục 41 chương trình, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 12 (Quyết định 2435/QĐ-UBND ngày 13-6-2023 của UBND TP). Đến nay, huyện và các sở ngành đã cơ bản hoàn thành và trình TP 7/36 nội dung theo yêu cầu trình trong năm 2023, đang tiếp tục hoàn chỉnh để trình các nội dung còn lại.

Mặt khác, xác định đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Cần Giờ đã tích cực phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập Quy hoạch vùng huyện theo ý tưởng quy hoạch của đơn vị đạt giải là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering; bổ sung hoàn thiện quy hoạch huyện theo hướng tư duy mới, tầm nhìn mới, đặt trong tổng thể quy hoạch TPHCM.

Với kỳ vọng là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu "net zero" (phát thải ròng bằng 0), Cần Giờ đang nghiên cứu và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, xanh, thân thiện môi trường trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, môi trường, giao thông, năng lượng… Những nội dung này đang được tích hợp vào Chương trình hành động Vì một Cần Giờ xanh để trình UBND TP.

Cần Giờ sẽ là thành TP biển mang đặc trưng của một TP tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường; trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao...

- Cần Giờ còn khá nguyên sơ, đặc biệt là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn, bờ biển hầu như chưa được đầu tư khai thác… Đó có phải là thuận lợi để Cần Giờ hướng đến “TP Xanh”, thưa ông?

- Ý tưởng đưa Cần Giờ hướng ra biển đã có từ 20 năm trước. Tuy việc phát triển Cần Giờ được bàn thảo hàng chục năm nay, nhưng bài toán làm sao để vừa phát triển, vừa bảo tồn được những giá trị sinh thái rừng ngập mặn, là trăn trở của lãnh đạo Trung ương và TP qua các thời kỳ khi đặt vấn đề định hướng phát triển huyện Cần Giờ.

Và khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 26-9-2022 về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030… Cần Giờ đang đứng trước cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ.

Và quan trọng nhất, việc phát triển phải đi đôi với trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị tự nhiên, văn hóa độc đáo của Cần Giờ, của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là “TP trong rừng, rừng trong TP” như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

- Thời gian qua, Cần Giờ có nhiều dự án lớn như siêu cảng, lấn biển… đã tác động đến sự phát triển của huyện như thế nào, và liệu có sự đánh đổi giữa phát triển với hy sinh môi trường tự nhiên, thưa ông?

- Cần Giờ đang có một số dự án trọng điểm mang tính chất quốc gia, như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cầu Cần Giờ, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Có thể nói đây là các siêu dự án “đánh thức” các tiềm năng, thế mạnh “rừng vàng, biển bạc” của Cần Giờ; phát huy vị trí cửa ngõ phía Đông rất quan trọng của TPHCM.

Cụ thể, việc đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đã được UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ và hiện đang hoàn chỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ ngành, với mục tiêu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; theo hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Dự án kỳ vọng sẽ cùng cảng Cái Mép trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Với dự án cầu Cần Giờ, có thể nói mong muốn lớn nhất của người dân huyện Cần Giờ là có cây cầu bắc qua sông Soài Rạp để kết nối huyện với trung tâm TP, giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn so với việc phải đi phà Bình Khánh. Hiện dự án cầu Cần Giờ đang được xem xét điều chỉnh phương án kiến trúc. Các sở ngành cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ để tham mưu UBND TP trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công trước hoặc trong dịp 30-4-2025.

Cầu Cần Giờ, cùng với nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành, các tuyến phà Cần Giờ - Vũng Tàu, Cần Giờ - Cần Giuộc và Cần Giờ - Gò Công Đông, sẽ trở thành mạng lưới kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP cũng như các khu vực lân cận.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được Chính phủ phê duyệt thay đổi quy hoạch rộng gấp gần 5 lần, từ 600ha quy hoạch năm 2003 tăng lên 2.870ha vào tháng 6-2020, với tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng. Đây là dự án được trông chờ nhiều nhất trong công cuộc lột xác huyện đảo duy nhất giáp biển của TPHCM.

Hiện TP đang xem xét phê duyệt điều chỉnh Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, với mục tiêu đủ sức cạnh tranh với các khu lấn biển trên thế giới ở Singapore, Mỹ, Australia...

Hiện huyện Cần Giờ được cung cấp điện bởi đường dây 110kV Nhà Bè - Cần Giờ, với 2 trạm trung gian An Nghĩa và Cần Giờ. Đây là tuyến đường dây độc đạo cung cấp nguồn điện cho huyện, nên việc đầu tư dự án điện gió ngoài khơi sẽ tăng cường thêm nguồn cung cấp điện cho huyện, đặc biệt với 2 dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế. Hiện có 2 đơn vị là CTCP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu và CTCP Năng lượng dầu khí Châu Á đang quan tâm thực hiện dự án.

Đặc biệt, trong định hướng phát triển Cần Giờ, lãnh đạo Trung ương, TP và Cần Giờ luôn cân nhắc, xác định không đánh đổi bằng mọi giá, mà phải so sánh giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường để phát triển theo hướng bền vững. Trong quá trình định hướng và triển khai thực hiện theo nguyên tắc khai thác tiềm năng nhưng vẫn bảo vệ tối đa "lá phổi xanh" Cần Giờ.

- Cuộc sống của người dân Cần Giờ vốn đã gắn bó với mảnh đất này từ bao đời nay, đã thay đổi ra sao khi Cần Giờ trở thành “Cần Giờ mới”, thưa ông?

- Theo đánh giá, năm 2023 ước số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống trên địa bàn huyện giảm còn 11,56% trên tổng số dân ở huyện; số hộ cận nghèo có thu nhập trên 36 đến 46 triệu đồng/người/năm còn gần 14% trên tổng số dân.

Tuy nhiên, do đặc thù kinh tế huyện chủ yếu là nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản, làm muối, dịch vụ du lịch, số lượng doanh nghiệp ít, quy mô nhỏ và rất nhỏ, nên người dân đa số sinh sống bằng những nghề gắn với nông nghiệp, buôn bán nhỏ. Con em huyện Cần Giờ sau khi tốt nghiệp đại học thường ở lại trung tâm TP để tìm kiếm việc làm.

cangio-2531.jpg
Việc phát triển thành phố xanh Cần Giờ phải đi đôi trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Khi Cần Giờ trở thành một “Cần Giờ mới”, có thể thấy đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần người dân sẽ được nâng lên rõ rệt; các điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội từng bước được nâng lên. Khi các dự án được triển khai và đưa vào sử dụng, huyện sẽ giải quyết được bài toán việc làm ngay tại chỗ. Kéo theo đó là các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo, cận nghèo, dân trí phát triển, đời sống người dân sẽ ấm no, hạnh phúc.

- Vậy chúng ta có thể hình dung “Cần Giờ xanh” trong 5-10 năm tới như thế nào, và lãnh đạo Cần Giờ đã chuẩn bị tâm thế ra sao để chào đón các nhà đầu tư đến chung tay phát triển huyện?

- Để có “Cần Giờ xanh” trong tương lai phải thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó 3 mũi nhọn là thể chế, nguồn lực và hành vi. Nếu chúng ta có các cơ chế, chính sách đặc thù, như Nghị quyết 98, có thể huy động các nguồn lực, gồm cả nội lực chính là những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Cần Giờ, cùng với nguồn lực từ các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Cần Giờ theo đúng định hướng của Trung ương và TP.

2 điều này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa để mũi nhọn thứ 3 là hành vi, sự đồng lòng, đoàn kết của chúng ta, sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ.

Đây là chặng đường dài, đầy hứa hẹn và cũng nhiều rủi ro, thách thức, đòi hỏi nguồn lực rất lớn, nỗ lực rất cao. Trong thời gian qua nhiều nhà đầu tư đến trao đổi, đặt vấn đề đầu tư các dự án trên địa bàn huyện, nhưng mới dừng ở việc tìm hiểu, do quy hoạch xây dựng huyện chưa hoàn chỉnh.

Huyện đang tích cực phối hợp với các sở ngành đẩy nhanh tiến độ, trình lãnh đạo TP phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện, làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư. Huyện cũng xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn để giới thiệu khi nhà đầu tư có nhu cầu muốn tìm hiểu, đầu tư. Sau khi quy hoạch được duyệt, huyện sẽ phối hợp với các sở ngành kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai các dự án trên địa bàn.

Tôi tin rằng với truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, trong thời gian tới huyện Cần Giờ sẽ nỗ lực hết mình trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành; chủ động tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các bài học thực tiễn của các mô hình phát triển, để triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển đã được đề ra, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Trung ương, chính quyền các cấp và sự ủng hộ đồng lòng của Nhân dân cả nước nói chung và TP nói riêng.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác