Tuy nhiên, thời gian qua công tác thu hút đầu tư của Cần Giờ gặp khó khăn do phải chờ điều chỉnh quy hoạch… ĐTTC đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ TRƯƠNG TIẾN TRIỂN, về những vấn đề liên quan.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, được biết nhiều năm qua công tác thu hút đầu tư các dự án có sử dụng đất vào Cần Giờ bị ngưng lại, nguyên nhân do đâu?
Ông TRƯƠNG TIẾN TRIỂN: - Đúng vậy, vì phải chờ điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch chung của Cần Giờ được phê duyệt từ năm 2012. Năm 2017, Chủ tịch UBND TPHCM khi đó là ông Nguyễn Thành Phong, khi làm việc với huyện Cần Giờ đã yêu cầu huyện và các sở ngành liên quan phải điều chỉnh quy hoạch.
Ngay sau khi có chỉ đạo này, UBND TP có 2 động thái quan trọng. Thứ nhất, chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) tổ chức cuộc thi quốc tế về ý tưởng quy hoạch Cần Giờ, với mục đích giúp việc điều chỉnh có tầm nhìn dài hạn, hướng tới một đô thị phát triển bền vững, hiện đại…
Thứ hai, để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra cho NĐT, TP đã chỉ đạo dừng triển khai các dự án được đầu tư ngoài nguồn ngân sách nhà nước. Chính vì vậy nhiều năm qua trên địa bàn huyện không có dự án đầu tư nào của các NĐT là doanh nghiệp tư nhân, dù các dự án này đều phù hợp với quy hoạch năm 2012.
Có thể nói từ năm 2017 đến nay, tất cả dự án muốn đầu tư vào Cần Giờ phải dừng lại để chờ quy hoạch mới. Và cho đến thời điểm này 2 nội dung trên vẫn chưa được tháo gỡ.
Việc chậm trễ có nguyên nhân khách quan. Ý tưởng quy hoạch của đơn vị đoạt giải nhất cuộc thi là Nikken Sekkei của Nhật Bản được lãnh đạo TP chấp nhận và thông qua. Từ ý tưởng đó mới triển khai việc điều chỉnh công tác quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì luật thay đổi. Luật mới không gọi điều chỉnh quy hoạch chung mà gọi là quy hoạch vùng huyện.
Theo Luật Quy hoạch mới phải làm quy hoạch tỉnh thành trước, sau đó mới làm quy hoạch quận huyện. Nếu hiểu như vậy phải làm quy hoạch TPHCM xong mới tiến hành quy hoạch Cần Giờ, trong khi quy hoạch TP còn đó, còn chúng tôi thì bức xúc bao nhiêu năm nay. Những dự án rất bức thiết với người dân như xử lý rác, nghĩa trang… bị chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Thí dụ, người dân khi qua đời chôn cất không đúng nơi quy hoạch đã hình thành nên những khu chôn cất tự phát.
Huyện đã gửi rất nhiều văn bản cho Sở QH-KT, và sở này cũng có nhiều văn bản gửi UBND TP kiến nghị các nội dung trên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Được biết, Sở QH-KT rất hỗ trợ huyện trong công tác này. Dự báo về mặt chuyên môn đến quý IV-2023 điều chỉnh quy hoạch của huyện mới được duyệt, qua năm 2024 mới triển khai.
- Nói về phát triển không gian đô thị ở Cần Giờ, một trong những dự án NĐT quan tâm là khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Ông có thể chia sẻ vài thông tin triển khai dự án này hiện nay như thế nào?
Quy hoạch Cần Giờ bị “treo” từ năm 2017 đến năm 2024 và có thể kéo dài hơn nữa, mọi dự án đều ngưng trệ. Chúng tôi hy vọng sau khi quy hoạch được điều chỉnh, Cần Giờ sẽ thu hút nhiều NĐT, tạo sự bứt phá trong thời gian tới. |
Để được phép khởi công xây dựng, NĐT phải có 3 điều kiện tiên quyết: (1) quy hoạch tỷ lệ 1/500 phải được duyệt; (2) NĐT phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính; (3) thiết kế dự án được duyệt. Tuy nhiên cả 3 nội dung này hiện nay NĐT đều chưa làm xong.
Về quy hoạch 1/500 đang điều chỉnh, nên việc tính tiền sử dụng đất cho dự án này cũng có nhiều cái mới. Bởi lẽ, dự án không hoàn toàn sử dụng đất sẵn có trên đất liền, mà được phát triển trên biển, tức chủ đầu tư phải san lấp biển. Chủ đầu tư cũ làm dự án trên diện tích 600ha và có 15ha đã được san lấp, dự án cũng được phê duyệt thiết kế và các thủ tục pháp lý cần thiết đủ điều kiện để thi công.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ đầu tư cũ không tiếp tục triển khai và TP đã chuyển qua chủ đầu tư mới như đã nói ở trên.
Trong tổng diện tích 2.870ha được phê duyệt, theo quy hoạch có 800ha là biển hồ, còn lại diện tích cần san lấp khoảng 2.000ha (như xây dựng đảo nhân tạo 2.000ha). Vậy vật liệu để san lấp 2.000ha này lấy ở đâu? Trước đây chủ đầu tư có xin TP khảo sát các mỏ cát trên vùng biển này, nhưng do việc khai thác các mỏ cát trên biển có nhiều quy định rất chặt chẽ.
Sau đó chủ đầu tư nghiên cứu phương án “cân bằng đào đắp” trên vùng đất phê duyệt. Tức trong khu vực 800ha, họ phải moi lượng đất cát này lên để tạo ra các luồng lạch sâu cho tàu thuyền ra vào, thay vì chở đi nơi khác đổ thì dùng để san lấp phần xung quanh (2.000ha).
Phương án “cân bằng đào đắp” này đã được TP cho phép chủ đầu tư thực hiện thí nghiệm, nhưng giao Sở KH-CN làm đầu mối hướng dẫn thực hiện thí nghiệm đúng quy định của pháp luật.
- Khi Cần Giờ phát triển theo hướng dịch vụ người dân sẽ ra sao?
- Về cuộc sống của người dân, ở góc độ quản lý chúng tôi nhận định có ít nhiều ảnh hưởng. Cần Giờ là huyện lâu nay chủ yếu phát triển về nông nghiệp, tuy nhiên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện vừa qua xác định phát triển theo hướng thương mại dịch vụ chiếm gần 55%, còn lại nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng đánh bắt thủy sản…
Trước đây bà con sống bằng nghề nông, nuôi trồng thủy sản, cuộc sống cũng còn vất vả. Tuy nhiên, bà con có đất, lại đang có giá, nên khi con cái trưởng thành họ bán bớt để cho con có vốn làm ăn, giúp cuộc sống khá hơn… Còn người mua đất để đó chờ giá lên, nên có tình trạng đất nông nghiệp mà không làm nông nghiệp.
- Xin cảm ơn ông.