Ảnh minh họa. (Nguồn: tribuneindia.com)
Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, viễn thông... có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi như lừa đảo giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, người thân quen.
Thậm chí có những vụ lừa đảo mang tính chất xuyên tỉnh, thành phố, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân.
"Ngậm đắng" khi biết bị lừa
Trong cuộc trao đổi ngắn, anh Nguyễn Trương Việt (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ việc bị tội phạm giả danh cán bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn, mà bấy lâu anh chắt bóp chi tiêu, tiết kiệm được.
Anh Nguyễn Trương Việt chia sẻ: "Vào tháng 4/2020, một người tự nhận là nhân viên Bưu điện thành phố Hà Nội ở 75 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) gọi điện thông báo thư từ ngân hàng gửi đến. Sau đó, đối tượng này yêu cầu lên bưu điện lấy ngay, vì bên ngoài bao thư đề có ghi của Công an Thành phố Hồ Chí Minh gửi về vụ việc có liên quan đến ngân hàng."
Tiếp tục trao đổi qua điện thoại, để lấy lòng tin, đối tượng đã cho anh Nguyễn Trương Việt số điện thoại của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) và đề nghị kiểm tra lại trên mạng xem có đúng số hay không. Đáng chú ý, khi kiểm tra trên mạng, anh Nguyễn Trương Việt thấy số giống như số của Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp theo đó, một đối tượng khác, mạo danh tên Hùng, cấp bậc Trung úy công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) dùng điện thoại bàn thông báo anh Nguyễn Trương Việt đang có một giấy triệu tập vào Thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ việc chuyển tiền qua ngân hàng, nhưng có dấu hiệu rửa tiền.
Đặc biệt, thời điểm đối tượng gọi thông báo và thời điểm triệu tập có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh cách nhau chỉ khoảng 3 tiếng trong cùng ngày, nên anh Nguyễn Trương Việt không thể di chuyển ngay để làm rõ vụ việc.
Nắm được tâm lý và điều kiện người bị hại, đối tượng tiếp tục yêu cầu anh Nguyễn Trương Việt chuyển tiền trong tài khoản sang một tài khoản khác, để chứng minh số tiền đó có liên quan quan đến hoạt động phạm tội hay không.
Vì tin tưởng đã kiểm tra số điện thoại bàn của đối tượng qua trên mạng Internet là đúng, nên anh Nguyễn Trương Việt đã chuyển toàn bộ số tiền hàng chục triệu có trong tài khoản sang tài khoản khác mà đối tượng cung cấp.
Trong diễn biến tiếp theo, khi biết bị các đối tượng giả danh lừa đảo, anh Nguyễn Trương Việt đã đến Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) trình báo vụ việc.
Làm việc với cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, anh Nguyễn Trương Việt được biết loại tội phạm này đã xuất hiện vài năm trước đây và hiện có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Có nhiều người đã bị lừa bằng thủ đoạn này, trong đó không ít người là cán bộ, viên chức...
Ngoài ra, việc lấy lại được số tiền đã mất là rất khó vì có thể là một đường dây giả mạo số điện thoại của cơ quan công an trên Internet bằng công nghệ cao, nên nếu không để ý sẽ rất dễ bị nhầm lẫn giữa số điện thoại thật và giả.
Anh Nguyễn Trương Việt cũng bày tỏ: Qua vụ việc, tôi chỉ biết "ngậm đắng" vì nhẹ dạ, cả tin, nhưng mong muốn cơ quan công an các cấp sớm điều tra, bóc gỡ những đường dây tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng, viễn thông... để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Đối với người dân, nếu nhận được cuộc điện thoại lạ báo có bưu phẩm, giấy mời, giấy triệu tập… từ cơ quan công an thì cần cảnh giác.
"Giải mã" phương thức, thủ đoạn của tội phạm
Thời gian qua, các lực lượng chức năng liên quan và chủ công là các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội đang tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, điện thoại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: agenda.ge)
Nhưng do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do đó, nhằm tạo nhiều kênh thông tin rộng rãi đến người dân, để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội đã thông báo một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay, cảnh báo người dân hãy nâng cao cảnh giác kịp thời phát hiện, tố giác với cơ quan công an.
Cụ thể, theo Công an thành phố Hà Nội, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này là sử dụng công nghệ cao, ẩn danh số điện thoại (hack số điện thoại bằng phần mềm điện thoại qua Internet) giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện kiểm sát để gọi điện thoại cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền bạc hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh và gửi cả lệnh bắt, lệnh khám nhà của Công an, Viện kiểm sát nhân dân… yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng.
Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP (mã xác thực giao dịch khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử) để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với lý do là để xác minh điều tra.
Hoặc đối tượng có thể sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet thực hiện hành vi lừa đảo chiếm quyền quản trị tài khoản Facebook, Zalo (hack nick) giả là người thân, người quen biết để nhắn tin vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản, nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người sử dụng Internet cần chú ý đọc các thông báo, cảnh báo của cơ quan chức năng.
Khi dùng tài khoản Facebook, Zalo, người dùng phải kích hoạt bảo mật hai lớp, tạo cảnh báo khi có thiết bị lạ đăng nhập, nhanh chóng cảnh báo cho bạn bè, người thân khi tài khoản bị chiếm đoạt để phòng ngừa đối tượng xấu lợi dụng.
Ngoài ra, khi phát hiện đối tượng khả nghi, người dân cần báo tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất, gọi tới đường dây nóng của Công an thành phố Hà Nội 113 hoặc trang Facebook Công an Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng người dân tuyệt đối không đưa lên tài khoản Facebook của mình những thông tin cá nhân quan trọng, như số tài khoản, địa chỉ nhà, các số điện thoại, email… vì điều này khác nào gọi “đạo tặc” đến nhà, bởi các đối tượng tội phạm cũng sử dụng Facebook, thậm chí đây là kênh quan trọng để chúng phát hiện con mồi.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, với những lời đề nghị trên Facebook liên quan đến vật chất (vay mượn tiền, cào thẻ điện thoại…), nếu có số điện thoại của chủ trang Facebook, nhất thiết phải gọi kiểm tra trước khi gửi tiền, vì rất có thể người bạn đó đã bị “hack” Facebook, hoặc lời yêu cầu đó tại trang giả mạo. Nếu không có cách nào liên lạc, cần thận trọng và cân nhắc kỹ có nên đáp ứng hay không.