(ĐTTCO) - Khi quy hoạch cánh đồng lớn tại đồng bằng sông Cửu Long cần có nghiên cứu về tác động theo từng vùng.
Sáng 26/4, tại Cần Thơ, Học viện Chính trị khu vực 4, tổ chức hội thảo khoa học hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của mô hình " Cánh đồng lớn" ở Khu vực ĐBSCL.
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước. Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tạo tính đồng nhất có liên kết chặt chẽ trong sản xuất của"4 nhà", từ năm 2009, mô hình cánh đồng mẫu lớn xuất hiện và đến nay được phát triển mạnh trong vùng, với hơn 150 ngàn ha đất sản xuất đăng ký tham gia.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số vấn đề cần quan tâm và khắc phục trong thời gian tới. Đó là trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông dân còn thấp, ít kinh nghiệm trong việc tổ chức. Vai trò của nhà nước trong mối liên kết " 4 nhà" chưa rõ nét; đầu ra hạt gạo trong "cánh đồng lớn" còn bấp bênh...
Đặc biệt, nhiều đại biểu cũng nêu rõ, trước tình hình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập đến đồng ruộng như hiện nay, việc quy hoạch cánh đồng lớn cần có nghiên cứu về tác động theo từng vùng.
Thạc sỹ Bùi Thanh Tuấn, Viện Chiến lược và khoa học công an, Bộ Công an cho rằng, để tiếp tục làm cánh đồng mẫu lớn ở những nơi chưa triển khai và giữ được cánh đồng mẫu lớn ở những nơi thực sự có hiệu quả thì việc đầu tiên các địa phương cần chú ý cho việc quy hoạch sử dụng nguồn nước, bởi vì ĐBSCL đang phải tác động biến đổi khí hậu, không chủ động được nguồn nước như miền Trung hoặc miền Bắc.
Theo ông Tuấn, vì nước nằm ở phía thượng nguồn, thủy triều chỉ là một yếu tố cho nên cần điều tra lại, đánh giá lại nguồn nước.