Cần siêu bộ quản lý vốn nhà nước

(ĐTTCO) - "Việc thành lập một cơ quan chuyên trách cấp bộ trực thuộc Chính phủ để quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước nhằm tách bạch chức năng sở hữu, kinh doanh vốn nhà nước ra khỏi chức năng làm chính sách và điều tiết thị trường của các bộ, ngành, địa phương là cần thiết".

(ĐTTCO) - "Việc thành lập một cơ quan chuyên trách cấp bộ trực thuộc Chính phủ để quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước nhằm tách bạch chức năng sở hữu, kinh doanh vốn nhà nước ra khỏi chức năng làm chính sách và điều tiết thị trường của các bộ, ngành, địa phương là cần thiết".

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - người chắp bút dự thảo nghị định về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) - trong cuộc trao đổi với ĐTTC về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc lập cơ quan chuyên trách quản lý khối tài sản khổng lồ tại TĐ, TCT nhà nước là cần thiết, nhưng liệu có đi ngược xu thế cải cách hành chính, tinh giảm biên chế hiện nay?

Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Chủ trương thành lập cơ quan chuyên trách hiện nay là thực hiện kết luận của Đại hội Đảng XII về thực hiện quyền sở hữu vốn, tài sản tại DNNN, trọng tâm là TĐ, TCT. Các DN này và công ty mẹ - con đang sở hữu trên 90% tổng tài sản của 781 DN 100% vốn sở hữu nhà nước. Giá trị khối tài sản này lên đến 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương 147 tỷ USD. Tính chung các DN có 100% và trên 50% vốn sở hữu nhà nước, tổng tài sản lên đến 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương 257 tỷ USD. Nếu tăng 1% ROA (tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản) và tài sản tại các DNNN, nền kinh tế sẽ thu được 2,6 tỷ USD/năm, con số này lớn hơn giá trị tăng trưởng 1% GDP.

Hạn cuối để cơ quan soạn thảo trình Chính phủ dự thảo nghị định mới này là quý III. Việt Nam sẽ định hướng xây dựng theo dạng kết hợp mô hình Ủy ban giám sát quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc và mô hình Tập đoàn kinh doanh vốn nhà nước Temasek của Singapore.

Nếu tăng biên chế mà mang lại hiệu quả khối tài sản khổng lồ này cũng đáng. Nên trả lương cho họ như những người đầu tư, không phải trả như công chức nhà nước. Hơn nữa công chức đang làm nhiệm vụ này ở 13 bộ và địa phương có thể giảm. Chức năng quản lý DNNN khác hẳn với quản lý hành chính nhà nước. Ngoài khu vực tư nhân, khu vực DNNN hiện có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

- Việc tách quyền sở hữu nhà nước khỏi các bộ quản lý chuyên ngành sẽ tạo sự khác biệt gì với cơ chế quản lý hiện nay, thưa ông?

- Với khối tài sản khổng lồ ở khối DNNN hiện nay, việc thành lập cơ quan cấp bộ chuyên trách chắc chắn sẽ tăng hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Đây là dư địa tăng trưởng cần tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt đến thịnh vượng trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, khu vực này đang tồn tại nhiều yếu kém trong quản lý, kinh doanh vốn, tài sản nhà nước. Mặt khác việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, tránh xung đột lợi ích trong thực hiện chức năng của Nhà nước. Tách chức năng thực hiện quyền sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng làm chính sách và điều tiết thị trường của nhà nước. 3 chức năng này đều của Nhà nước, nhưng khi thực hiện tập trung vào 1 bộ sẽ xung đột về mặt lợi ích, dẫn tới môi trường kinh doanh méo mó, phân bổ nguồn lực không công bằng, không bình đẳng, thiếu cạnh tranh.

Thứ hai, quyền sở hữu này thực chất là chức năng của nhà đầu tư kinh doanh nên phải thực hiện một cách chuyên trách, chuyên nghiệp như một nhà đầu tư, không phải với vai trò cơ quan quản lý nhà nước.

Một góc hoang tàn dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên, được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
Một góc hoang tàn dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên,

được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Thứ ba, khi tập trung vốn về một đầu mối, một cơ quan sẽ biết rõ Nhà nước có bao nhiêu tiền, bao nhiêu tài sản trong nền kinh tế. Từ đó, tập trung nguồn lực này để thực hiện các mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế, tránh tình trạng phân tán nhiều nơi, nhiều cấp như hiện nay. Mặt khác cơ quan này sẽ tạo động lực nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN.

Thứ  tư, các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đều yêu cầu DNNN phải hoạt động minh bạch, có trách nhiệm giải trình, đảm bảo tính trung lập trong nền kinh tế. Vì vậy, để tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước ra khỏi các chức năng quản lý khác, việc lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước là yêu cầu của hội nhập.

- Nhưng việc quản lý, kinh doanh một khối tài sản lớn có thể dễ dẫn đến lạm quyền. Ông có lo ngại về điều này?

- Bất cứ ai có quyền đều có khả năng lạm quyền, vấn đề là cần thiết lập một thể chế giám sát toàn diện. Và để giám sát được, cơ quan quyền lực này phải hoạt động công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh vốn tại DNNN, có kế hoạch và mục tiêu kinh doanh vốn rõ ràng. Những thông tin này cần được công bố công khai để các cơ quan giám sát dựa trên đó đánh giá và tìm kiếm các thông tin khác để đối chứng.

Thực tế, việc thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DNNN là thách thức lớn vì liên quan đến lợi ích nhiều bộ, địa phương và DNNN. Nhưng không có lợi ích nào lớn bằng lợi ích quốc gia. Việc sắp xếp bộ máy này làm thay đổi quyền lực, quyền lợi của nhiều cơ quan. Chính vì vậy sẽ có nhiều lý do, rào cản và có thể còn có sự vận động để đẩy lùi quá trình nâng cao hiệu quả quản lý vốn, tài sản DNNN hiện nay. Để thực hiện được đổi mới này trước hết cần quyết tâm chính trị của các bộ, địa phương. Chính phủ cũng đã có kế hoạch để thực hiện chủ trương này và điều quan trọng là bắt tay vào làm ngay. Bên cạnh đó, về mặt tư duy cũng cần đổi mới, bởi đây là cơ quan nhà nước nhưng không phải cơ quan quản lý nhà nước. Đây là cơ quan chuyên trách mang nặng tính kinh doanh đầu tư vốn nhà nước. Từ đó cần thiết kế bộ máy của cơ quan này giống như doanh nghiệp chứ không phải cơ quan hành chính.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác