Sau khi SJC tuyên bố ngưng mua vàng miếng một chữ số và vàng bị méo, móp, nhiều đơn vị kinh doanh vàng vẫn mua vàng một chữ số do SJC chế tác nhưng lại ép người dân bán rẻ hơn từ 500.000-1.000.000 đồng/lượng vàng với lý do mua vào vàng một chữ số của SJC có nhiều rủi ro. Điều này đặt người tiêu dùng vào tình thế bất lợi. Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), cho rằng:
Thị trường vàng miếng đang do NHNN quản lý, từ nhập khẩu đến sản xuất, còn SJC đang làm theo đặt hàng của NHNN. Vấn đề đặt ra ở đây, dù là cơ quan nhà nước chỉ đạo làm thế nào vẫn phải tuân theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP (NĐ24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu ổn định thị trường vàng, tránh những biến động, gây bất lợi cho thị trường. Bởi vàng cùng với các ngoại tệ như USD là những mặt hàng rất nhạy cảm. Đối với vàng miếng, vấn đề cần quan tâm là tiêu chuẩn chất lượng, chứ không đơn thuần là sự biến dạng bên ngoài.
Vì thế, vàng do một công ty sản xuất, bán ra cho người dân nhưng đến khi người dân có nhu cầu cần bán lại thì không mua với lý do vàng một chữ số, là điều rất vô lý. Giả sử thời gian tới SJC sản xuất vàng 3 chữ số thì sao, lúc đó lại xếp vàng 2 chữ số vào dĩ vãng?
PHÓNG VIÊN: - Điều đó có nghĩa SJC phải có trách nhiệm mua lại vàng miếng của người dân?
Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG: - Thực ra với người sở hữu vàng có người kinh doanh, nhưng đại đa số người dân coi vàng là tài sản tích lũy, khi có nhu cầu cần họ mới bán. Đấy là quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân, bản thân NĐ24 cũng thừa nhận điều này. Việc cất trữ vàng theo dạng tiết kiệm là hợp pháp, vậy tại sao khi người dân bán đi lại không mua, hay mua nhưng lại tính phí? Vấn đề này cần được các cơ quan quản lý làm rõ để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.
Việc bán vàng miếng méo, móp phải trả thêm phí cho thấy người cất giữ vàng đang phải chịu rủi ro không đáng có. Kinh doanh vàng miếng dựa theo tiêu chuẩn chất lượng và khối lượng chứ không hề phụ thuộc vào sự móp, méo hay biến dạng. Những trường hợp này người tiêu dùng phải chịu thiệt hại một cách phi thị trường, người tích trữ vàng đang phải trả phí cho doanh nghiệp vì những quyết định dựa trên vị thế độc quyền kinh doanh.
- Vàng miếng là một mặt hàng nhạy cảm nên cần một hệ thống kinh doanh, phân phối riêng, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Nhiều mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu như xăng dầu, gas, điện… Nhà nước đang định hướng kinh doanh theo hướng thị trường cạnh tranh. Vàng cũng là một mặt hàng đặc biệt nhưng không phải thiết yếu, không có vàng chưa chết, nên không có lý do gì để tạo ra vị thế độc quyền kinh doanh cho một doanh nghiệp nào đó. Từ sự xáo trộn của thị trường vàng do một quyết định ngưng mua của SJC, nên chăng xem xét lại về mặt chính sách. Với cơ chế hiện nay người dân tích trữ vàng luôn ở thế bị động, không đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, những hành động làm xáo trộn thị trường cần có địa chỉ trách nhiệm.
Bởi lẽ, thua thiệt chỉ đổ vào người cất trữ vàng là một sự bất công, trong khi doanh nghiệp kinh doanh vàng lại được hưởng lợi từ sự xáo trộn thị trường. Bên cạnh đó, chính sách hướng tới người dân cần đảm bảo sự ổn định, vì lợi ích của người dân. Bản thân doanh nghiệp kinh doanh vàng luôn có lợi từ sự chênh lệch giá bán đầu vào và đầu ra của vàng nên không thể đưa ra quyết định mang tính áp đặt áp đặt thị trường, gây sức ép, khiến người bán vàng chịu thiệt.
- Vậy theo ông có nên duy trì chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng?
- Chính sách gì cũng phải đảm bảo sự ổn định của thị trường. Khi NHNN quyết định trao quyền cho SJC được chế tác, kinh doanh vàng miếng đã cân nhắc rất kỹ. Nhưng khi chính sách đi vào thực tiễn chưa đáp ứng được kỳ vọng thị trường, phát sinh bất cập thì cũng cần xem lại chính sách. Cần đưa thị trường vàng miếng hoạt động bình thường, không thể nay doanh nghiệp nói mua, nhưng mai lại nói không mua được. Dù cơ quan quản lý có thể khuyên người dân là lúc này chưa cần bán, nhưng người tích trữ vàng không thể không bán khi họ cần tiền.
Và đã nói đến cơ chế thị trường phải có cạnh tranh, đã cạnh tranh không thể một mình một chợ được. Khi có sự cạnh tranh trên thị trường vàng miếng, người dân sẽ được hưởng lợi. Vì nếu một mình một chợ, vàng có lên hay xuống, người dân cũng phải theo. Nếu có hơn một sự lựa chọn, doanh nghiệp này không làm tốt người bán vàng có thể lựa chọn doanh nghiệp khác. Và khi có từ 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng trở lên sẽ tạo áp lực với doanh nghiệp về giá cả mua vào, bán ra, cải tiến mẫu mã. Không có chuyện doanh nghiệp lỗ mà vẫn kinh doanh vàng đâu. Vì vậy, chính sách về thị trường vàng cần hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông.
Thua thiệt cuối cùng thuộc về người cất giữ vàng, điều đáng nói thua thiệt đó lại xuất phát từ quyết định của một doanh nghiệp được ủy quyền kinh doanh vàng. Quyết định này đã gây sự xáo trộn không đáng có trên thị trường vàng. Đã đến lúc doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cần sòng phẳng với người tiêu dùng - người mua bán vàng. |