Cần tháo gỡ 3 'nút thắt' để phát triển công nghiệp

(ĐTTCO)-Cần tập trung nguồn lực Nhà nước phát triển ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, nâng giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa, từ đó mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Bộ Công Thương cho biết tháng 2/2023, do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng, trong khi quy mô đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.

Số liệu mới nhất cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiêp (IIP) trong tháng 2 ước chỉ tăng khoảng 3,6% so với cùng kỳ, còn tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP giảm 6,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 6,9%; công nghiệp khai khoáng ước giảm 3,8%; sản xuất và phân phối điện ước giảm 5,2%.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm (từ 8-9%) cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ một số nút thắt nhằm phát triển công nghiệp, trong đó có 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: thị trường, công nghệ và vốn, tín dụng.

Áp lực do chi phí đầu vào tăng cao

- Thưa ông, các sản phẩm công nghiệp chế biến chiếm tới gần 90% trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của cả nước trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực cho biết đang gặp khó khăn về đơn hàng xuất khẩu dẫn đến việc phải giảm lao động/nhân công. Vậy, ông cho biết thực tế này qua 2 tháng đầu năm?

Ông Ngô Khải Hoàn: Trong 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%.

Về cán cân thương mại, xuất khẩu giảm 10,4% và nhập khẩu giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam có dấu hiệu giảm mạnh như hàng dệt may giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 10%; sắt thép các loại giảm 34,8%...

Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhưng không bù đắp được sự suy giảm tại các thị trường lớn khác như Mỹ, Hàn Quốc, ASEAN, EU, Nhật Bản...

Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng, chủ yếu co cuộc xung đột chính trị và căng thẳng thương mại ở một số nơi trên thế giới vẫn đang tiếp tục; chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào vẫn đang ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế. Trong khi đó, phía đối tác (người mua hàng) đặt hàng với mức lợi nhuận rất sát chi phí, do đó nếu doanh nghiệp chấp nhận nhận đơn hàng thì biên lợi nhuận rất thấp, chủ yếu giữ công ăn việc làm.

Ngoài ra, chúng ta còn chịu áp lực từ các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

- Với rất nhiều khó khăn như vậy thì đâu là giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp và đạt tăng trưởng khoảng 8-9% năm nay như mục tiêu ngành Công Thương đã đặt ra, thưa ông?

Ông Ngô Khải Hoàn: Để đạt được các mục tiêu về phát triển ngành công nghiệp bền vững và đạt các mục tiêu đã đề ra, đầu tiên là hoàn thiện thể chế, cần tập trung xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp nền tảng với các chính sách ưu đãi đủ mạnh và triển khai các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ, các ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Với vai trò được giao công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, phía Cục đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm.

Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may-da giày giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong năm 2023, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược phát triển ngành giấy giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chiến lược ngành ôtô giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài thuộc dự án lớn trong ngành, như: Thép Thái nguyên giai đoạn 2; Thép Việt Trung và Nhà máy giấy Phương Nam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.

Cần thiết phải có những chính sách, cơ chế thiết thực hơn và tập trung nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Bên cạnh đó, tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch khoáng sản nhằm huy động nguồn lực mới cho tăng trưởng, gia tăng năng lực sản xuất, phát triển công nghiệp vật liệu phục vụ cho sản xuất trong nước.

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch; Tăng cường kết nối các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp sản xuất trong nước, góp phần giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cục cũng khẩn trương xây dựng các trung tâm kỹ thuật dùng chung phục vụ nghiên cứu đổi mới, hấp thụ và phát triển công nghệ ngành công nghiệp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Cần lực đẩy mạnh mẽ từ cơ chế chính sách

- Một trong các nhiệm vụ vừa được ông nhấn mạnh đó làtập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đưa các dự án công nghiệp có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất... Xin ông cho biết cụ thể về công tác này?

Ông Ngô Khải Hoàn: Cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án của ngành Công Thương, Cục Công nghiệp sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đặc biệt là các dự án liên quan đến khai thác, chế biến khoáng sản, quy mô lớn các dự án thép tại Nam Định, Bình Định và Phú Yên.

Đồng thời, triển khai hiệu quả sau khi Quy hoạch khoáng sản được phê duyệt để nhằm tạo thêm nguồn lực mới và đồng thời tập trung phát triển công nghiệp vật liệu phục vụ cho chính công nghệ sản xuất, chế biến, chế tạo trong nước.

- Vậy dưới góc độ quản lý Nhà nước, theo ông đâu là nút thắt cần sớm được tháo gỡ để phát triển công nghiệp?

Ông Ngô Khải Hoàn: Có một số nút thắt cần sớm được tháo gỡ để phát triển công nghiệp, có thể kể đến 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: thị trường, công nghệ và vốn, tín dụng.

Thực tế cho thấy, dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với các sản phẩm công nghiệp, trong khi đó thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ...

Do đó, cần tập trung nguồn lực Nhà nước để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa, từ đó mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.

Cơ cấu xuất khẩu hai tháng đầu năm 2023 phân theo nhóm hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về công nghệ, hiện nay, trình độ nguồn nhân lực và kỹ thuật sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn (bốn công nghệ tạo hình là đúc, khuôn mẫu, ép nhựa, hàn, và công nghệ xử lý nhiệt và xử lý bề mặt) trong sản xuất. Do đó, cần thiết phải có những chính sách, cơ chế thiết thực hơn và tập trung nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Có thể thấy,hiện nay, trong giai đoạn đầu và trong cả quá trình phát triển, nguồn vốn tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất công nghiệp. Do đặc thù của sản xuất công nghiệp cũng như xuất phát điểm thấp của doanh nghiệp Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn.

Do vậy, cần phải có một chính sách tín dụng mới hiệu quả, thiết thực hơn cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, cụ thể ở đây là cần hình thành gói tín dụng ưu đãi để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Các tin khác