Rủi ro bủa vây
Nói về tình hình xuất khẩu của ngành gỗ, ông Vũ Quang Huy, Tổng giám đốc CTCP Tekcom, cho biết nửa đầu năm nay ngành gỗ đang có sự phục hồi tốt với mức tăng trưởng khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Tekcom cũng đang có những bước hồi phục tốt so với năm trước.
Tuy nhiên, các DN cũng phải đối mặt với khá nhiều thách thức, như việc các thị trường xuất khẩu chủ lực đang có xu hướng thực thi các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ. Kế đến là các yêu cầu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu Net Zero… Đặc biệt, trong các giao dịch kinh tế xuất nhập khẩu, DN phải ứng phó với nhiều loại “bẫy ngoại thương”.
Chi tiết hơn về các rủi ro khi giao dịch đối tác ngoại, ông Huy chỉ ra một số loại “bẫy” DN có thể vướng phải. Đầu tiên phải kể đến là lừa đảo thương mại, trong đó đối tác nước ngoài có thể cung cấp các giấy tờ giả mạo như hợp đồng, giấy chứng nhận chất lượng, chứng từ, vận chuyển. Kế đến có thể gặp phải các DN ma, tức sử dụng thông tin ảo để thực hiện các giao dịch không có thực để ký kết hợp đồng.
Bên cạnh đó là những loại hợp đồng có thể có những điều khoản bất lợi, không rõ ràng, thiên vị cho bên bán, gây thiệt hại cho bên mua (hoặc ngược lại); hợp đồng cũng có thể có các điều khoản thanh toán phức tạp hoặc không rõ ràng, có thể dẫn đến tranh chấp và mất mát tài chính.
Theo ông Huy, các biến động tỷ giá và chính sách cũng có thể trở thành những rủi ro cho DN xuất khẩu. “Năm 2019 khi xuất lô hàng trị giá 1 triệu USD vào Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đã bị đối tác từ chối nhận hàng do biến động chính trị. Hay một lô hàng khác trị giá 3 triệu USD, khi đang trên đường xuất qua Mỹ thì người mua từ chối nhận do Mỹ ban hành kết luận lẩn tránh thuế cho ván ép” - ông Huy cho biết.
Là một luật sư thực chiến, ông Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời mới (NewSun Law Firm), kể lại một tranh chấp hợp đồng nhập khẩu phế liệu từ công ty Nhật Bản. Theo đó, trong hợp đồng ghi nhập thép phế liệu tiêu chuẩn Nhật Bản trị giá 890.000 USD, CIF cảng Hải Phòng, thanh toán bằng L/C (ngân hàng phát hành là ngân hàng thương mại Việt Nam, còn ngân hàng thụ hưởng là ngân hàng Nhật Bản).
Thế nhưng, khi nhận bộ chứng từ yêu cầu thanh toán phát hiện chứng từ giả mạo. Chưa hết, hàng xếp lên tàu là rác thải, hành trình tàu đến phao số 0 (chưa vào lãnh hải Việt Nam), rồi neo đậu tại cảng Trung Quốc, không có thông báo nhận hàng của đại lý hãng tàu Việt Nam. Phía văn phòng luật đã hỗ trợ khách hàng khởi kiện, tạm dừng thanh toán L/C và yêu cầu hủy hợp đồng. Vậy mà công ty Nhật Bản này chỉ sau một thời gian lại giao dịch thành công với DN Việt Nam khác với phương thức tương tự.
Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC.
Nhiều trường hợp trong số đó, DN Việt đang là bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được tốt quyền lợi của mình vì các sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng. Do vậy, ông Bắc nhấn mạnh, quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương là cực kỳ quan trọng.
Làm gì để thoát “bẫy”?
Với kinh nghiệm của mình, ông Huy cho rằng trong khâu thanh toán, bên cạnh việc áp dụng các phương thức thanh toán an toàn, cần yêu cầu đối tác đặt cọc số tiền đủ chi phí vận chuyển hàng về, hoặc giảm giá bán để thanh lý trong trường hợp đối tác từ chối nhận hàng.
Tuy nhiên, để làm được còn phụ thuộc vào lợi thế của DN khi đàm phán hợp đồng. Đặc biệt phải nghiên cứu kỹ lưỡng về đối tác, tìm hiểu thông tin công ty, lịch sử giao dịch và tìm ở các nguồn đáng tin cậy. “Luôn cập nhật các thay đổi về chính sách, thuế quan và thị trường để có những điều chỉnh kịp thời trong chiến lược kinh doanh. Đồng thời nên mua bảo hiểm cho hàng hóa để bảo vệ khỏi các rủi ro trong quá trình vận chuyển"- ông Huy cho biết thêm.
Thông qua thực tiễn vụ việc và các thiệt hại DN Việt phải gánh chịu, LS Thành khuyến cáo DN cần hiểu rõ tính chất, đặc điểm của hợp đồng ngoại thương, hợp đồng được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật nào, có tiềm ẩn rủi ro về chính trị, văn hóa hay không.
Bên cạnh đó, DN cần tiến hành rà soát, đánh giá về năng lực chủ thể giao kết, điều kiện giao dịch, quy định pháp luật của nước sở tại để chủ động ứng phó với những rủi ro có thể phát sinh.
Đối với hoạt động giải quyết tranh chấp, LS. Thành cho rằng các yếu tố quan trọng khi quản lý tranh chấp trong giao dịch ngoại thương chính là luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp. Để không chịu thiệt thòi khi phát sinh tranh chấp, DN cần hết sức cẩn trọng khi soạn thảo các điều khoản quy định những nội dung trên. “Khi ký hợp đồng ngoại thương, DN hết sức thận trọng.
Ngay cả những đối tác truyền thống, nếu phát sinh những hợp đồng bất thường DN phải hết sức lưu ý. Ngoài ra liên quan đến các điều khoản thương mại, DN cũng phải chú ý từng chi tiết như tiêu chuẩn đóng gói hay vấn đề xác minh mẫu… Vì nếu không thận trọng thiệt hại có thể không nhỏ do có thể bị phạt hoặc trả hàng” - ông Thành nhấn mạnh.
Thực tế, ngoài những phương án được DN và cả phía LS đưa ra, một trong những cách giúp tránh “bẫy ngoại thương” chính là chia sẻ thông tin giữa các DN, nhất là những DN đã bị lừa hoặc đã sớm tránh được các bẫy lừa đảo. Song thực tế vẫn còn không ít DN ngại chia sẻ, ngại để người khác biết mình từng bị rơi vào “bẫy”.
Thông thường, các thông tin cảnh báo chỉ đến từ các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hoặc sau các vụ việc “đình đám” của một số DN thuộc vài hiệp hội như tiêu, điều… thời gian qua.
Theo khảo sát của PwC Việt Nam, năm 2022, có tới 52% số DN Việt đã từng bị lừa đảo khi tham gia thương mại quốc tế. Con số này cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46%) và mức trung bình của toàn cầu (49%).