Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để hạn chế rủi ro khi giao thương ở EU?

(ĐTTCO)-Theo đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, các doanh nghiệp cần thận trọng và nắm vững thông tin về các đối tác trước khi đặt quan hệ làm ăn.
Phân loại nhân hạt điều tại nhà máy của Công ty Nguyên Thông, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN)
Phân loại nhân hạt điều tại nhà máy của Công ty Nguyên Thông, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN)

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực cách đây 3 năm và đem lại những cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giao thương quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro như một số vụ lừa đảo thương mại xảy ra gần đây như vụ hạt điều ở Italy, vụ hồi quế, hạt điều xuất sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và ngay cả vụ nhập khẩu hàng hóa từ Mexico về Việt Nam, các doanh nghiệp cần trang bị những kỹ năng cần thiết để tránh bị thiệt hại và tận dụng hiệu quả của hiệp định.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Berlin, bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, cho biết thực tế cho thấy những vụ việc lừa đảo trong kinh doanh quốc tế phần lớn là do không tìm hiểu kỹ về đối tác, thường không trực tiếp gặp mặt mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, điện thoại, fax nên không có khả năng kiểm tra được tính xác thực của địa chỉ, số điện thoại, khả năng tài chính của đối tác.

Để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong làm ăn với doanh nghiệp tại EU nói riêng và nước ngoài nói chung trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

Thứ nhất, cần kiểm tra tư cách pháp nhân và tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng và uy tín của đối tác nước ngoài trước khi giao dịch ký kết hợp đồng, cần thận trọng và nắm vững thông tin về các đối tác trước khi đặt quan hệ làm ăn; đồng thời thông qua các bạn hàng khác, công ty dịch vụ hay cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để tiến hành thẩm tra thêm về đối tác.

Thứ hai, hạn chế sử dụng các hình thức thanh toán nhiều rủi ro như chuyển tiền bằng điện (TTR), nhờ thu (D/A, D/P), hạn chế hoặc không ứng trước tiền hàng với giá trị lớn; nên sử dụng các hình thức thanh toán có độ an toàn cao hơn như thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C at sight).

Thứ ba, cảnh giác, thận trọng khi giao dịch điện tử trên mạng, khi có những dấu hiệu đối tác thay đổi thư điện tử, người hưởng lợi..., cần kiểm tra kỹ lại thông tin trước khi chuyển tiền.

Thứ tư, do hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên, doanh nghiệp cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại), tránh các trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp.

Thứ năm, đối với khâu thanh toán, doanh nghiệp lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ý kiến của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, một trong những phương thức giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu là sử dụng các doanh nghiệp dịch vụ logistics như một “van an toàn.”

Khi đó, công ty logistics A của Việt Nam sẽ gửi hàng đến công ty logistics B ở nước nhập khẩu với tên của công ty B là người nhận hàng. Sau khi nhận hàng, công ty B sẽ giao hàng cho người mua.

Nếu vì lý do gì đó, người mua hoặc một bên thứ ba có trong tay bộ chứng từ thì họ cũng không thể nhận được hàng vì thông tin không phù hợp với tên người nhận hàng trên chứng từ.

Các doanh nghiệp cần lưu ý, xem xét và cân nhắc tất cả các biện pháp giúp giảm rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu. Từ việc thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường, đến việc có thể thuê, sử dụng các công ty tư vấn luật đồng hành với doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Từ phía Thương vụ Đức, bà Đỗ Việt Hà cho biết Thương vụ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thẩm tra đối tác Đức. Thương vụ làm việc với cơ quan xác minh doanh nghiệp của Đức và có thể kiểm tra được khả năng thanh toán, hạn mức tín dụng, hoạt động kinh doanh và một số thông tin cơ bản khác của doanh nghiệp Đức. Điều này cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro khi kinh doanh với Đức.

Bốc dỡ hàng hóa tại một cảng. (Ảnh : Hoàng Hải/TTXVN)

Theo bà Đỗ Việt Hà, khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đức, các doanh nghiệp cần lưu ý và nắm vững các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của EU/Đức đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt các quy định liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và những quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Ví dụ đầu năm nay, Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Luật này tác động gián tiếp tới các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Nhà nhập khẩu có thể yêu cầu doanh nghiệp Việt cung cấp thêm các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc của sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương trả cho lao động, cách thức xử lý chất thải nhà máy...

Một số loại chứng nhận quốc tế nhà nhập khẩu có thể yêu cầu như chứng nhận BSCI của Hiệp hội kinh doanh toàn cầu về thương mại bền vững Amfori, chứng nhận SA 8000 (hệ hống các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội...), chứng nhận SEDEX/Smeta về trách nhiệm xã hội, chính sách cho người lao động; FSC về quản lý rừng bền vững, tiêu chuẩn Green Button trong ngành dệt may...

Hoặc gần đây, ngày 9/6, EU đã công bố quy định số 2023/1115 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu liên quan đến lưu thông và xuất khẩu một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng, thay thế quy định số 995/2000.

Nhằm giảm thiểu nạn phá rừng ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, quy định yêu cầu các công ty phải đảm bảo rằng các sản phẩm được bán trong EU và xuất khẩu từ EU phải được sản xuất theo đúng quy định và không gây mất rừng và suy thoái rừng.

Các mặt hàng phải đi kèm giải trình gồm gia súc, ca cao, càphê, cọ và dầu cọ, cao su, đỗ tương, gỗ. Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này phải thu thập, báo cáo thông tin dữ liệu về nơi sản xuất, diện tích đất sử dụng cho sản xuất, các văn bản chứng nhận xác minh về việc không phá rừng.

Trong trường hợp không tuân thủ, các nhà khai thác và thương nhân sẽ phải chịu hình phạt do các quốc gia thành viên EU quy định, trong đó có thể phạt tiền lên tới 4% doanh thu hàng năm trên toàn EU; tịch thu các sản phẩm có liên quan hoặc doanh thu từ giao dịch thương mại; loại trừ tạm thời khỏi các quy trình mua sắm công và khỏi thị trường EU trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng...

Thêm một quy định cũng đang được quan tâm nhiều hiện nay là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10 tới và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

EU đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, trong đó Đức - nền kinh tế đầu tàu của EU - đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045. EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon sang các nước ngoài khối có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU để đảm bảo rằng việc giảm phát thải của châu Âu góp phần giảm phát thải trên toàn cầu. Đầu tiên, CBAM sẽ tập trung vào các loại hàng hóa như ximăng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện, sau đó mở rộng đến các mặt hàng khác có thể rò rỉ carbon như hóa chất hữu cơ và nhựa, và cuối cùng là tất cả hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại khí thải (ETS) của EU.

Quy định này sẽ tạo thêm các chi phí đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, giá trị xuất khẩu giảm, gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, ximăng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng... xuất khẩu sang thị trường EU nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.

EU nói chung và Đức nói riêng đang ngày càng nỗ lực chuyển sang nền kinh tế xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Do đó, việc triển khai, áp dụng và đưa ra các quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững của Đức và EU sẽ rất nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch kinh doanh phù hợp, nhạy bén kịp thời điều chỉnh để đáp ứng được các yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn mới.

Các tin khác