Cẩn trọng với hợp đồng

(ĐTTCO) - Trung Quốc đang ngày càng trở thành một đối tác thương mại lớn của Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu  năm 2017 tăng trưởng 61,5% so với 2016, đạt 35,46 tỷ USD. 
Cẩn trọng với hợp đồng
Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt cũng thích làm ăn với đối tác Trung Quốc do không quá khắt khe trong các yêu cầu như nhiều thị trường khó tính khác. Thế nhưng, theo cảnh báo của nhiều luật sư, khi ký kết hợp đồng kinh doanh buôn bán, các DN Việt Nam phải hết sức thận trọng. 
Ông Phạm Ngọc Hưng, luật sư Trung tâm trọng tài thương mại TPHCM, cho biết hợp đồng làm ăn giữa DN Việt Nam – Trung Quốc thường quá đơn giản, thiếu các điều khoản đảm bảo thực hiện hợp đồng, nên khi giải quyết tranh chấp nếu có rất khó và phần thiệt thường thuộc về các DN Việt Nam. Nhiều DN khi ký hợp đồng thương mại không chú ý đơn vị giải quyết tranh chấp, nên khi có vấn đề các DN phía Trung Quốc đưa hợp đồng ra toà án Trung Quốc, lúc đó số luật sư Việt có thể “cãi” bằng tiếng Trung, hiểu rõ luật pháp Trung Quốc rất hiếm. 
Làm gì để tránh thiệt hại khi có tranh chấp, theo các luật sư giàu kinh nghiệm, trong hợp đồng nên có điều khoản nếu tranh chấp phát sinh nên được giải quyết bằng trọng tài thương mại, và quan trọng hơn phải lựa chọn ngôn ngữ áp dụng khi giải quyết tranh chấp, vì các DN Trung Quốc thường muốn sử dụng tiếng Trung. Hiện nay Việt Nam có trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, hoặc tại TPHCM có trung tâm trọng tài thương mại TPHCM, là địa chỉ các DN có thể ghi thêm vào điều khoản hợp. 
Lâu nay, nhiều hiệp hội ngành hàng cũng có những cảnh báo với các DN trong việc thận trọng khi làm ăn với các đối tác Trung Quốc, để tránh gặp rủi ro trong khâu thanh toán. Đã có không ít trường hợp DN Việt Nam xuất hàng nhưng phía đối tác Trung Quốc không thanh toán. Hiện nay DN Trung Quốc ít sử dụng thanh toán L/C, nên nếu có thể DN Việt Nam khi làm ăn phải yêu cầu đối tác đặt cọc trên 20% giá trị đơn hàng.
Bên cạnh đó, việc tìm hiểu các đối tác trước khi làm ăn cũng không kém phần quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều DN Việt Nam khá lơ là. Trong trường hợp thiếu thông tin hoặc gặp vấn đề, thì kênh liên lạc hỗ trợ quan trọng cho các DN cần phải nhớ chính là các tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, hoặc các hiệp hội ngành hàng… 

Các tin khác