Khi giá dầu tăng cao và nguồn cung cấp dầu thô truyền thống khan hiếm, Canada lên kế hoạch khai thác mỏ cát dầu rộng lớn ở vùng đất Alberta phía Bắc đất nước, đồng thời đa dạng hóa các phương tiện vận chuyển nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu dầu sang Hoa Kỳ và các thị trường đang “khát” năng lượng.
Theo ước tính của chính quyền tỉnh Alberta, các mỏ cát dầu có trữ lượng 171,3 tỷ thùng dầu (Saudi Arabia có trữ lượng 264,2 tỷ thùng). Một số chuyên gia năng lượng nhận định trữ lượng dầu ở Alberta đủ để thay đổi cán cân các thị trường dầu thế giới. Là nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, lại là láng giềng Canada nên Hoa Kỳ được xem như thị trường hấp dẫn nhất cho ngành khai thác cát dầu và trên thực tế đã thu mua hầu hết dầu xuất khẩu từ Canada. Hiện tại, dầu thu được từ mỏ cát dầu sẽ đi theo đường ống tới Cushing, Oklahoma, nơi có nhiều kho chứa khổng lồ tiếp nhận dầu từ nhiều nguồn. Tuy nhiên dầu cát thường bị định giá thấp so với các loại dầu nhẹ hơn. Do đó, các nhà sản xuất Canada muốn chuyển hướng dòng chảy sang Vịnh Mexico, nơi tập trung nhiều cơ sở lọc dầu có khả năng tinh chế loại dầu “khó nhằn” này. Một dự án trị giá 7 tỷ USD mang tên Keystone XL đã được đề xuất để kết nối vùng cát dầu Canada với bờ biển vùng Vịnh của Hoa Kỳ.
![]() |
Một mỏ cát dầu ở tỉnh Alberta. |
Tuy nhiên, cuộc chiến quanh dự án Keystone XL cũng bắt đầu từ tháng 11-2008. Những người ủng hộ nói rằng công nghệ khai thác cát dầu đang trở nên sạch hơn và nguồn dầu có tiềm năng lớn từ một đồng minh ổn định về mặt chính trị sẽ giúp Hoa Kỳ đảm bảo an ninh năng lượng. Ngược lại, các nhà môi trường lấy Keystone XL làm điển hình để phản đối ngành sản xuất cát dầu, một ngành ngốn rất nhiều nước, năng lượng và có nguy cơ tàn phá vùng rừng phương Bắc. Susan Casey-Lefkowitz, Giám đốc chương trình quốc tế tại Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (Hoa Kỳ), nhận xét: "Đây thực sự là một chiến dịch chống mở rộng khai thác cát hắc ín hơn là chống một đường ống cụ thể". Dự kiến nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định vào cuối năm nay.
Hiện nay các nhà sản xuất dầu tại Canada đang lựa chọn việc vận chuyển dầu bằng đường sắt và đường biển. Tháng 10 năm ngoái, liên doanh giữa Đường sắt quốc gia Canada Montreal và Công ty vận chuyển dầu Altex Energy đã tải một lượng nhỏ dầu cát đi dọc tuyến đường sắt quốc gia Canada tới thẳng Vịnh Mexico. Tuy vận chuyển đường sắt đắt hơn đường ống nhưng tránh được chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, lại không cần pha thêm hóa chất làm loãng để dầu cát dễ chảy hơn. Bên cạnh đó, Canada cũng có thể tận dụng các đường ống hiện có dẫn dầu từ Alberta đến các cảng rồi xuất bằng đường biển hoặc chuyển đổi chức năng của vài đường ống dẫn khí thiên nhiên xuyên biên giới để dẫn dầu.
"Cát dầu của Canada sẽ tiếp tục được phát triển" - ông Russell K. Girling, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của TransCanada, công ty đứng sau dự án Keystone XL, bày tỏ sự quyết tâm. Hơn nữa, những khoản đầu tư gần đây của các công ty Trung Quốc cho thấy một thị trường thay thế đang nổi lên bên kia bờ Thái Bình Dương. Ronald Liepert, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, cho biết Trung Quốc là nước tiêu thụ chủ yếu các tài nguyên thiên nhiên khác của Canada và đã bắt đầu có đầu tư nhỏ vào cát dầu. "Tôi có thể tự tin dự đoán Trung Quốc sẽ hứng từng giọt dầu Canada có thể sản xuất ra" - ông Liepert phát biểu.