Chứng khoán Mỹ ảm đạm; Dầu bứt phá hơn 4%

(ĐTTCO) - Chỉ số Dow Jones giảm điểm vào thứ Sáu (9/5), khi nhà đầu tư chờ đợi các cuộc đàm phán thương mại giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc vào cuối tuần này. Giá dầu tăng trong tuần, khi căng thẳng thương mại giữa các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu dịu bớt và Anh công bố một thoả thuận thương mại “đột phá” với Mỹ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chứng khoán Mỹ ảm đạm; Dầu bứt phá hơn 4%

Thị trường chờ đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones trượt 119,07 điểm, tương đương 0,29% còn 41.249,38 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,07% xuống 5.659,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite gần như đi ngang, khép phiên ở mức 17.928,92 điểm.

Các cuộc đàm phán với quan chức Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ và Vương quốc Anh đạt được thoả thuận thương mại sơ bộ. Nhà đầu tư hy vọng điều này sẽ dẫn đến nhiều thoả thuận hơn đạt được nhanh chóng. Tuy nhiên, mức thuế 10% đối với Anh dường như là mức cơ sở cho toàn cầu.

Ông Trump cho biết trên Truth Social: “Nhiều thoả thuận thương mại đang được chuẩn bị, tất cả đều tốt (TUYỆT VỜI)!,”một ngày sau khi công bố thoả thuận thương mại sơ bộ với Anh, đánh dấu thoả thuận đầu tiên giữa Mỹ và và một đối tác thương mại toàn cầu kể từ thông báo về thuế quan đối ứng của ông Trump vào đầu tháng 4.

Tổng thống Mỹ cũng viết trên Truth Social rằng “mức thuế quan 80% đối với Trung Quốc có vẻ đúng” trước khi các cuộc đàm phán do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dẫn đầu với các đối tác Trung Quốc tại Thuỵ Sĩ diễn ra vào cuối tuần này.

Mặc dù đây là sự hạ nhiệt phần nào so với mức thuế quan 145% hiện tại đối với Trung Quốc, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với dự báo cảu nhiều người rằng chính quyền sẽ áp dụng để khởi động các cuộc đàm phán. Bloomberg News đưa tin trước đó rằng mức thuế quan này có thể được hạ xuống dưới mức 60% ngay trong tuần này. Cũng không rõ liệu ông Trump có đang nói về mức thuế quan dài hạn đối với Trung Quốc hay mức thuế tạm thời trong quá trình đàm phán.

Tuần này, S&P 500 giảm 0,5%, Nasdaq Composite mất 0,3% và Dow Jones lùi 0,2%.

Dầu tăng hơn 4% trong tuần qua

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent thêm 1,07 USD, tương đương 1,7% lên 63,91 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,11 USD, tương đương 1,85% lên 61,02 USD/thùng. Trong tuần, cả 2 hợp đồng dầu đều vọt hơn 4%.

Chuyên gia phân tích John Evans của PVM nhận định: “Hy vọng rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang lắng xuống và giúp giá dầu Brent tương lai tăng 3% vào ngày 8/5.”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ gặp Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc Hà Lập Phong tại Thuỵ Sĩ vào ngày 10/5 để giải quyết các tranh chấp thương mại đe doạ nhu cầu dầu.

Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh hơn dự báo trong tháng 4, trong khi nhập khẩu thu hẹp mức giảm, giúp Bắc Kinh bớt lo ngại trước các cuộc đàm phán về thuế quan.

Lượng dầu thô nhập khẩu của nước này trong tháng 4 đã giảm so với tháng trước, nhưng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do hoạt động tích trữ của các nhà máy lọc dầu nhà nước trong thời gian ngừng hoạt động để bảo dưỡng.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố rằng Anh đã đồng ý giảm thuế đối với hàng nhập khẩu Mỹ.

Ngoài ra, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, có kế hoạch tăng sản lượng, duy trì áp lực lên giá dầu. Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC giảm nhẹ vào tháng 4 do sản lượng giảm ở Libya, Venezuela và Iraq lớn hơn mức tăng sản lượng theo kế hoạch.

Các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn của Mỹ đối với Iran có thể hạn chế nguồn cung và đẩy giá tăng cao. Tuần nay, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với một nhà máy lọc dầu nhỏ thứ 3 của Trung Quốc vì mua dầu Iran.

Các tin khác