Căng thẳng Trung-Nhật: Thiệt hại kinh tế nặng nề

Làn sóng biểu tình chống Nhật Bản lan rộng ở Trung Quốc. Một loạt cửa hàng và nhà máy của Nhật Bản đã phải đóng cửa. Nguồn đầu tư Nhật Bản vào Trung Quốc cũng như mối quan hệ thương mại giữa 2 nước bị đe dọa nghiêm trọng.

Làn sóng biểu tình chống Nhật Bản lan rộng ở Trung Quốc. Một loạt cửa hàng và nhà máy của Nhật Bản đã phải đóng cửa. Nguồn đầu tư Nhật Bản vào Trung Quốc cũng như mối quan hệ thương mại giữa 2 nước bị đe dọa nghiêm trọng.

Các hãng thông tấn lớn trên thế giới vài ngày qua đưa đậm tin tức về tình hình căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản sau khi Tokyo tìm cách quốc hữu hóa các đảo trong quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Làn sóng biểu tình chống Nhật Bản đã lan rộng khắp các thành phố Trung Quốc và bắt đầu chuyển sang bạo động với các vụ ném gạch đá, đập phá, hôi của, phóng hỏa… các cửa hàng, nhà máy, xe cộ mang thương hiệu của Nhật Bản. Các thương hiệu lớn và các nhà bán lẻ Nhật Bản là đối tượng bị làn sóng chống Nhật tấn công mạnh nhất. 3 đại gia xe hơi Nhật Bản Toyota, Honda và Nissan đều bị thiệt hại.

Một đại lý Toyota ở Thanh Đảo đã bị đốt cháy, nhiều đại lý khác cũng bị đập phá, Toyota chưa cho biết nhà máy nào bị đóng cửa nhưng đã ra tuyên bố an toàn cho nhân viên là ưu tiên hàng đầu, các chi nhánh tùy tình hình mà quyết định. Honda Motor thông báo đóng cửa tất cả 5 nhà máy lắp ráp của hãng tại Trung Quốc trong 2 ngày 18 và 19-9.

Tình hình tương tự cũng xảy đến với Nissan. Trong lúc đó, Kobe Steel đã đóng cửa 4 nhà máy thép, nhôm, máy móc xây dựng. Tập đoàn điện tử Sony cho biết dừng hoạt động 2 trong số 7 nhà máy tại Trung Quốc để bảo vệ an toàn cho nhân viên. Bản danh sách các công ty Nhật bị ảnh hưởng ngày càng dài hơn, có cả Panasonic, Mitsumi Electric, Komatsu…

Quan hệ thương mại Trung-Nhật bị tổn hại vì những vụ biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc.

Quan hệ thương mại Trung-Nhật bị tổn hại vì những vụ biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc.

Những khẩu hiệu tẩy chay sản phẩm Nhật Bản vang lên khắp nơi. Fast Retailing sở hữu thương hiệu bán lẻ quần áo lớn nhất châu Á Uniqlo đã đóng cửa các cửa hiệu của họ. Ở Bắc Kinh, nhân viên các cửa hàng bán lẻ, các hãng xe hơi và những công ty khác của Nhật Bản không thể đi làm, trường học Nhật Bản đã đóng cửa.

Tại Thượng Hải, nhiều cửa hàng, nhà hàng Nhật hoặc trông có vẻ Nhật nằm gần khu vực đặt tổng lãnh sự Nhật Bản ở phía Tây thành phố đã đóng cửa hoặc phải che giấu tất cả những dấu hiệu dính dáng tới Nhật Bản. Cổ phiếu của những công ty Trung Quốc liên doanh với Nhật Bản như Dongfeng Group cũng bị vạ lây. Chấn động không gói gọn trong lãnh thổ Trung Quốc mà còn lan sang Nhật Bản, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch.

Mặc dù các nhà sản xuất Trung Quốc đang dần nâng cấp công nghệ và thiết bị, thu hẹp khoảng cách với các đối thủ toàn cầu nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào máy móc tự động cũng như những công nghệ tiên tiến khác của Nhật Bản. Nhật Bản giúp Trung Quốc vận hành các tuyến tàu cao tốc, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, bao gồm cảng hàng không quốc tế Pudong ở Thượng Hải.

Tuy mâu thuẫn Senkaku/Điếu Ngư kéo dài nhưng thương mại giữa 2 nước những năm qua vẫn rất phát đạt, tổng kim ngạch tăng 14%, lập kỷ lục 344,9 tỷ USD trong năm 2011. Người đứng đầu Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản Hiromasa Yonekura bày tỏ: “Thật đáng tiếc khi các chính trị gia làm xấu đi mối quan hệ đã được xây đắp trong một thời gian dài bởi các khu vực tư nhân ở cả 2 nước”. Do lo ngại an toàn nên đoàn 175 giám đốc doanh nghiệp Nhật Bản đã rút ngắn chuyến công du thường niên tới Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc hứa hẹn sẽ tăng cường kiểm soát các cuộc biểu tình. Trong lúc đó, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi Bắc Kinh cần hành động nhiều hơn để bảo vệ các doanh nghiệp Nhật Bản khỏi mối nguy bị dân Trung Quốc tấn công, cướp phá…

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura phát biểu: “Các công ty Nhật Bản góp phần quan trọng cho nền kinh tế và công ăn việc làm của Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng chúng ta nên bình tĩnh và ra những quyết định có lý trí”. Xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn đứng thứ hai và thứ ba thế giới không chỉ gây thiệt hại cho riêng 2 nước đó mà còn có thể làm chệch hướng những nỗ lực hồi phục của kinh tế toàn cầu.

Các tin khác