Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ theo hướng bền vững, hài hòa

(ĐTTCO) - Đó là ý kiến phát biểu khai mạc của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị lấy ý kiến Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tổ chức sáng 19-10.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ theo hướng bền vững, hài hòa

Hội nghị có sự tham gia của nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng các chuyên gia hàng đầu. Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hướng tới mục tiêu phát triển cho TP.HCM, cho cả vùng, cho Việt Nam với mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay UBND TP đã phối hợp với các cơ quan xây dựng đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Do đây là một vùng “nhạy cảm” nên cần cân nhắc kỹ lưỡng ngay từ quá trình nghiên cứu. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cân nhắc kỹ lưỡng dự án này.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP cho rằng cần phải nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hướng tới mục tiêu phát triển cho TPHCM, cho cả vùng, cho Việt Nam, với mục tiêu phát triển bền vững. “Chúng ta không phát triển bằng mọi giá, cần sự phát triển bền vững, không xem xét đầu tư hiệu quả về tài chính mà tất cả cần phát triển bền vững, hài hòa”- ông Mãi nói.

Theo ông Mãi, để mang đến sự phát triển, chúng ta chọn để yên hay phát triển dự án, làm sao để phát triển nhưng để lại hậu quả thấp nhất về môi trường. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP đặt ra 4 vấn đề.

Thứ nhất, qua quá trình chuẩn bị, có một số ý kiến cần làm rõ về xung đột về phát triển kinh tế và các cảng biển hiện hữu. Thủ tướng cũng đã đặt ra vấn đề này, dự án ảnh hưởng gì tới Cảng Cái Mép, hệ thống cảng trong khu vực.

Thứ hai là ảnh hưởng của cảng với quy hoạch phát triển của huyện Cần Giờ, TP.HCM và của vùng. Khi đặt vấn đề nghiên cứu cảng cần tính toán đến đường bộ và có ảnh hưởng đến vùng sinh quyển Cần Giờ hay không. Ngay từ khi nghiên cứu, TP cũng đặt vấn đề phương án kết nối đường bộ để tiếp tục nghiên cứu. Trường hợp nếu làm thì sẽ làm sau năm 2030, còn trước đó chủ yếu liên kết qua đường biển.

Thứ ba là tác động đến khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ. Chúng ta cần tránh 2 xu hướng. Một là muốn làm cảng mà bỏ qua những tác động thấy rõ. Hai là tránh sợ ảnh hưởng, không đo lường tác động tới đâu và không dám làm gì.

Tất nhiên, việc ảnh hưởng chắc chắn là ít nhiều, chúng ta có “đánh đổi” thì cái giá của sự đánh đổi có đáng và lợi ích có lớn nhất, hậu quả có nhỏ nhất hay không?

  • Thứ tư là phát triển kinh tế với TP.HCM và vùng như thế nào. Cần đánh giá hiệu quả kinh tế, các giai đoạn phát triển, tác động của dự án đến kinh tế xã hội không chỉ của TPHCM mà của cả vùng.

“Thành ủy, UBND TP nhận thức đây là việc lớn và tiến hành kỹ lưỡng thận trọng, đánh giá đầy đủ để làm. Chúng tôi muốn không chỉ hội nghị này mà được lắng nghe suốt quá trình triển khai, mong các đại biểu luôn theo dõi quan tâm góp ý làm sao TP phát triển, đóng góp chung cho cả nước nhưng chúng ta phải mắc ít sai lầm nhất, trả giá ít nhất” - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Các tin khác