Được xem là đầu tàu của Khu kinh tế Vân Phong và cũng là kỳ vọng trở thành điểm nhấn phát triển kinh tế của cả khu vực miền Trung - Tây nguyên, nhưng sau 2 năm từ ngày khởi công, dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong vẫn đang “bò” từng bước nhọc nhằn.
Đại công trường... hoang vắng
Cách đây gần 2 năm, một lễ khởi công hoành tráng đã diễn ra ở khu vực Đầm Môn, phía Tây đảo Hòn Gốm (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), với kỳ vọng biến nơi này thành cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (CTCVP), tạo bước ngoặt trong ngành cảng biển nhiều tiềm năng.
2 năm sau, nơi rầm rộ lễ khởi công đang trong tình cảnh hoang vắng. Khuôn viên công trường được rào chắn bởi hệ thống hàng rào lưới thép B40, bên trong chỉ có vài công nhân thời vụ đang trông coi công trường, lúi húi quét sơn chống gỉ cho số sắt đã nhập về từ lâu.
Liên quan đến việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, mới đây trong buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT thừa nhận Vinalines không có khả năng đầu tư dự án lớn như cảng Vân Phong. Bộ trưởng chỉ đạo Vinalines khẩn trương mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện dự án này, đồng thời trong tháng 3-2012 phải hoàn tất việc điều chỉnh thiết kế cảng Vân Phong giai đoạn khởi động. |
Trao đổi với chúng tôi, một công nhân cho biết dự án đã ngưng gần cả năm nay, có thể giữa năm sau mới khởi động trở lại... Đi vào cuối công trường, nơi sát mép nước và là nơi dự định xây dựng một trong các cầu cảng, chúng tôi chỉ thấy vài đứa trẻ đang nhặt túi nilon.
Trên bờ, hàng ngàn cọc sắt, bê tông chất ngổn ngang. Cách bờ chừng 300m, một chiếc máy đóng cọc khá đồ sộ nằm “ngâm muối”. Đó là phương tiện hiện đại duy nhất chúng tôi nhìn thấy tại công trình.
Một ngư dân nuôi tôm hùm lồng gần công trường cho biết nhiều tháng qua không hề thấy công nhân làm việc ở khu vực này.
CTCVP từng được kỳ vọng có vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi phát triển kinh tế biển cả nước. Năm 2007, dự án CTCVP được phê duyệt với vốn đầu tư 3.126 tỷ đồng. 2 năm sau, chủ đầu tư là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) công bố tổng vốn đầu tư hơn 6.177 tỷ đồng, nhưng được một thời gian triển khai lại phải tạm ngưng.
Hiện công trình mới đóng được 145/1.729 cọc, trong đó có 115 cọc bê tông và 30 cọc thép. Theo thiết kế, hệ thống cọc được đóng xuống biển để làm cầu cảng ở độ sâu khoảng 42-50m, nhưng khi đóng cọc đã gặp sự cố về địa chất khiến nhiều cọc không thể đóng đủ sâu, hiện vẫn chưa được khắc phục.
Ông Trần Ngọc Châu, Chủ nhiệm công trường, cho biết công đoạn đóng cọc nằm trong gói thầu 6B1, khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng tất cả số cọc bê tông lẫn cọc thép đã đóng xuống biển đều dư 7-8m so với thiết kế ban đầu.
Thiếu vốn hay lỗi thời?
Ngày 31-10-2010, dự án CTCVP do Vinalines làm chủ đầu tư được chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn khởi động, giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn tiềm năng, với tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành sau năm 2020.
Theo thiết kế, cầu cảng có chiều dài 12,5km, bao gồm 42 bến cảng, tổng diện tích 750ha, đảm bảo khả năng thông quan trên 200 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có thể tiếp nhận tàu container có trọng tải lên đến 18.000 TEU. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2011, nhưng nay đã sang năm 2012 và việc thi công giai đoạn 1 vẫn bị đình trệ.
Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban quản lý dự án hàng hải 1 (thuộc Vinalines) cho biết: “Ngoài lý do thay đổi thiết kế, thiếu vốn cũng là nguyên nhân dẫn đến việc toàn bộ dự án bị tạm ngưng. Trước đây Vinalines có chủ trương dừng thi công cảng Vân Phong trong 6 tháng, nay vì lý do về địa chất, vốn nên phải dừng 1 năm và dự kiến tháng 7-2012 sẽ khởi động trở lại”.
Cọc bê tông, cọc sắt nhập về chất ngổn ngang |
Theo kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kỹ thuật biển TPHCM, trước đây nhiều ý kiến góp ý nên chọn công nghệ bến thùng chìm để xây dựng cầu cảng Vân Phong, vì đây là công nghệ phổ biến và phù hợp với địa hình miền Trung.
Công nghệ này nếu áp dụng cho việc xây dựng cầu cảng như Vân Phong sẽ tiết kiệm được nhiều và an toàn. Hiện nước ta đã áp dụng công nghệ này để xây cảng Cái Lân. Ở các nước Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan... đều sử dụng công nghệ này khi xây dựng các cầu cảng chịu tải trọng lớn. Tuy nhiên, không hiểu vì sao ý kiến này lại bị phớt lờ.
Định hướng phát triển kinh tế Việt Nam là hướng ra biển. Đến nay cả nước ta chỉ có cảng Vân Phong được quy hoạch làm cảng trung chuyển quốc tế, nhưng sau 2 năm khởi công, chủ đầu tư cho biết phải ngưng hoạt động xây dựng để thay đổi lại thiết kế.
Lý do được chủ đầu tư đưa ra là thay đổi cho phù hợp với thực tế ban đầu, vì thiết kế trước đó đã “lỗi thời”. Một công trình trọng điểm quốc gia nhưng chỉ sau 2 năm khởi công đã lỗi thời. Phải chăng công tác quy hoạch chưa có tầm nhìn, khiến mỗi năm nước ta mất hàng tỷ USD do phải xuất khẩu thông qua các cảng trung chuyển quốc tế ở nước ngoài.