Cảnh báo chứng khoán trên đỉnh

(ĐTTCO) - Thị trường chứng khoán (TTCK) đang tồn tại những điều tưởng chừng như vô lý, khi VN Index lên đỉnh nhưng nhóm ngành tài chính lại đi xuống, hay doanh nghiệp bất động sản (BĐS) giảm tốc lợi nhuận trong khi cổ phiếu (CP) tăng sốc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Gồng lỗ dù VN Index tăng mạnh   
Thông thường, TTCK tăng mạnh luôn có mặt của nhóm ngành tài chính liên quan mật thiết là ngân hàng (NH) và công ty chứng khoán (CTCK). Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại nhiều nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ CP của 2 nhóm ngành này đang phân vân giữa 2 sự lựa chọn khó khăn: bán cắt lỗ để chuyển sang nhóm ngành khác, hoặc tiếp tục gồng lỗ chờ đợt sóng mới.
Chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của ngành NH sau đợt bùng nổ dịch bệnh năm ngoái, anh M., một NĐT tại TPHCM, đã quyết định dồn hết tiền vào nhóm CP NH khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh trong tháng 7, với kỳ vọng nhóm NH này sẽ lặp lại kỳ tích như năm 2020.
Danh mục đầu tư anh M., đang nắm giữ gồm các mã NH như MBB (Quân đội) và LPB (LienVietPostBank), STB (Sacombank) và EIB (Eximbank). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi VN Index đang ở trên mốc điểm lịch sử 1.450 điểm, nhưng danh mục đầu tư của NĐT này vẫn trong sắc đỏ, với mức lợi nhuận âm hơn 30% do sử dụng toàn bộ là vốn vay (full margin). 
Việc nhóm NH giao dịch “lình xình” trong bối cảnh TTCK khởi sắc khiến giới đầu tư hết sức bất ngờ. Thậm chí, với không ít NĐT, đây là hiện tượng phi lý, nhất là khi phần lớn NH đang niêm yết đều đã công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý III với những con số tích cực, dù đối mặt với đợt bùng phát mạnh của dịch bệnh.
Theo thống kê, lợi nhuận của 27 NH đang niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III, phần lớn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương. Đáng chú ý có tới 6 NH báo lãi trên 10.000 tỷ đồng sau 9 tháng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có vài nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý III, như BID (BIDV), VPB (VPBank), STB. 
Cùng cảnh ngộ với nhóm NH là nhóm ngành CK được hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ về điểm số, đặc biệt là thanh khoản của TTCK. Theo thống kê, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trong quý III đạt 1,1 tỷ USD (tăng 316%).
Con số này tiếp tục tăng mạnh trong tháng 11 với kỷ lục gần 52.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 3-11. Thế nhưng, các mã CP của CTCK gần như bất động, thậm chí giảm mạnh dù nhận được thông tin tốt về KQKD quý III và 9 tháng năm 2021.    
CP lên đỉnh dù KQKD đi xuống
Thời điểm VN Index lên đỉnh 1.450 điểm ở phiên giao dịch ngày 3-11, thị trường có 3 mã CP có giá trên 200.000 đồng/CP, đều là các đại diện của nhóm BĐS, hoặc nhóm ngành có liên quan, gồm L14 (Licogi 14), VEF (VAFEC) và THD (Thaiholdings).
Điều đáng nói, cả 3 mã này đều có xuất phát điểm thấp hơn rất nhiều so với mức giá khủng hiện tại. Đơn cử, VEF từ mức giá 50.000 đồng/CP đầu năm 2021 tăng lên 260.000 đồng/CP, L14 từ mức giá dưới 50.000 đồng/CP tăng lên 264.000 đồng/CP, THD từ mức giá 100.000 đồng/CP lên 230.000 đồng/CP. 
Không chỉ những mã CP lớn, sóng BĐS cũng giúp nhiều mã CP vừa và nhỏ tăng dựng đứng trong khoảng 1 tháng trở lại đây.
Đơn cử, mã DIG (DIC Corp) có thời điểm tăng vượt mốc 62.000 đồng/CP. Nếu tính từ mức giá 22.000 đồng/CP ở nửa cuối tháng 7 mã CP này đã tăng gần gấp 3 lần trong khoảng thời gian hơn 3 tháng. Tương tự là trường hợp của KBC (Kinh Bắc), KDH (Khang Điền), IDC (Ideco), NLG (Nam Long).
Điều bất ngờ, dù tăng mạnh nhưng KQKD của các doanh nghiệp trên lại đi xuống, thậm chí lợi nhuận âm trong quý III. Đơn cử, DIG với lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 42,2 tỷ đồng (giảm mạnh 44%), lũy kế 9 tháng chỉ đạt 139 tỷ đồng, tương đương 9% kế hoạch cả năm. Hay lợi nhuận quý III của KDH, NLG và IDC cũng sụt giảm đáng kể, thậm chí lỗ 59 tỷ đồng như trường hợp KBC.
Nguyên nhân khiến KQKD của các doanh nghiệp BĐS đi xuống trong quý III do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chủ đầu tư không thể tổ chức các sự kiện bán hàng nhiều dự án. Đơn cử, NLG phải tạm hoãn việc mở bán dự án Mizuki và bàn giao sản phẩm của dự án Akari.
Rủi ro với dòng tiền đầu cơ
Sau phiên giao dịch ngày 3-11 với kỷ lục thanh khoản 52.000 tỷ đồng, nhóm CP CK sau thời gian bị NĐT ‘ngó lơ” đã trở thành tâm điểm của dòng tiền, với kỳ vọng các CTCK sẽ tăng thu nhập mảng môi giới.
Theo giới phân tích, dòng tiền đổ vào nhóm BĐS với kỳ vọng về sự phục hồi khi nền kinh tế bước vào giai đoạn bình thường mới từ quý IV, cũng là mùa cao điểm kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp BĐS.
Tuy nhiên, việc nhóm CP BĐS tăng gấp 2-3 lần trong thời gian gần đây khiến nhóm CP này đi vào vùng rủi ro cao. Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta, ngoại trừ những doanh nghiệp có tiềm năng vốn, các doanh nghiệp BĐS nhỏ bản chất đang thiếu tiền. Dù báo lãi nhưng dòng tiền kinh doanh đang âm nặng, thanh khoản đang có vấn đề lớn, cần dòng vốn bơm vào hay còn gọi là “bơm máu”.
Vốn bơm vào có 2 nguồn chủ yếu là vay ngân hàng và trái phiếu. Trong khi đó ngân hàng rất khó cho vay BĐS thời điểm này, còn phát hành trái phiếu cũng đang bị Bộ Tài chính siết. 
“Hiện tại, dù chương trình phục hồi kinh tế 800.000 tỷ đồng năm 2022-2023 đã được trình lên Chính phủ có nội dung đầu tư công, song việc giải ngân hiện nay vẫn rất thấp. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành BĐS, dự báo sang năm 2022 mới có khả năng hồi phục.
Do đó, hiện tượng giá CP BĐS tăng nóng thời gian qua chủ yếu là tâm lý đầu cơ” - ông Minh nói. Nhận định này phần nào được phản ánh trong phiên giao dịch ngày 3-11, khi nhóm CP BĐS quay đầu giảm mạnh.
Trong phiên giao dịch này, tài khoản nhiều NĐT bị “bốc hơi” 14-30% (tùy sàn giao dịch) do mua giá trần ở phiên sáng và CP giảm sàn ở phiên chiều. Mức lỗ thậm chí còn tăng cao khi nhiều mã tiếp tục giảm sàn những phiên kế tiếp. 
Không chỉ với nhóm ngành BĐS, việc dòng tiền đổ mạnh vào TTCK những phiên giao dịch gần đây cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo một chuyên gia CK, động lực chính giúp VN Index thiết lập các mốc điểm cao kỷ lục đến từ dòng tiền của NĐT F0, khi sản xuất kinh doanh đình trệ, dòng vốn cần tìm kiếm cơ hội đầu tư mới là CK. Tuy nhiên, khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trở lại, dòng vốn có tính chất đầu cơ này sẽ nhanh chóng rút ra khỏi CK để đẩy vào hoạt động sản xuất.  

Các tin khác