Cảnh giác lừa đảo thương mại qua mạng

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dù những thủ đoạn lừa đảo trong giao dịch thương mại qua mạng đã được Văn phòng Thương vụ Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan cảnh báo, nhưng gần đây một số DN Việt Nam vẫn bị lừa khi mua bán với những đối tượng mạo danh công ty lớn của nước này. Trong đó, vụ giao dịch không thành gần đây của CTCP H.N.M (trụ sở tại tỉnh Bình Dương) là một thí dụ.

Do mới tham gia thị trường, chưa có mối quan hệ với nhà xuất khẩu nước ngoài, nên qua internet H.N.M đã tìm được một đối tác cung cấp máy in phù hợp có địa chỉ tại Thái Lan. Sau khi liên hệ qua email, công ty này đã gửi báo giá với mức giá hấp dẫn, rẻ hơn rất nhiều so với giá thực tế.

Sau khi chào hàng, để tạo lòng tin, đối tác tiếp tục gửi bản sao các giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng nhận chất lượng, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật qua email và mời gọi ký hợp đồng mua bán. Và kèm theo câu “chảnh”: “Số lượng hàng có hạn, nếu không mua sớm sẽ hết hàng”.

Tin tưởng vào các loại giấy tờ chứng minh pháp nhân, năng lực của công ty và do thấy lô hàng giá rẻ, H.N.M đã ký hợp đồng. Sau đó, đối tác đã yêu cầu H.N.M thanh toán trước 15%, phần còn lại sẽ được thanh toán đầy đủ khi nhận hàng. Nhận thấy quá thuận lợi, H.N.M đã chấp nhận thanh toán trước.

Nhưng sau đó công ty tại Thái Lan đã viện hàng loạt lý do để không giao hàng. Khi thấy DN Việt Nam sốt ruột, họ hối thúc H.N.M chuyển tiếp 35% trị giá hợp đồng nữa để được nhận hàng, nếu không sẽ chuyển sang đối tác khác. Như đã lỡ “leo lưng cọp”, H.N.M tiếp tục chuyển tiền và cuối cùng nhận được hồi âm: “Không thể giao hàng với lý do chi phí vận chuyển không đủ và đề nghị H.N.M trả toàn bộ số tiền đặt mua”.

Đến khi đó H.N.M mới phát hiện đây là một thủ đoạn lừa đảo và dừng việc mua bán. Kiểm tra lại thông tin mới biết không hề có công ty xuất khẩu máy in nào tại Thái Lan mang tên như trong giấy phép đăng ký kinh doanh.

Cũng trong thời gian này, một số DN của Việt Nam đã báo cáo với Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á (Bộ Công Thương) về thủ đoạn lừa đảo khi giao dịch với một số công ty có địa chỉ tại Nigeria. Trong đó có vụ một công ty ở Nigeria qua internet mời chào DN Việt Nam cung cấp vật liệu xây dựng số lượng lớn và buộc nhà cung cấp phải mở tài khoản trung gian ở nước thứ ba để họ chuyển tiền vào.

Khi công ty Việt Nam không đồng ý, họ lại chấp nhận chuyển tiền về tài khoản tại Việt Nam nhưng yêu cầu công ty Việt Nam phải đăng ký tại Phòng Thương mại Công nghiệp của nước thứ ba để được giảm thuế và phải chuyển trước phí đăng ký cùng với các loại phí khác (phí nhập khẩu, giao dịch, đăng ký giấy phép nhập khẩu, trúng thầu).

Phía công ty Việt Nam nghi ngờ và nhờ cơ quan quản lý điều tra mới phát hiện đây chỉ là một tổ chức mạo danh nhằm chiếm đoạt các khoản phí.

Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á, thời gian gần đây, các vụ lừa đảo thương mại qua internet đang gia tăng, đa số đối tượng lừa đảo thường lập công ty ma hoặc mạo danh các công ty nổi tiếng và giới thiệu, chào hàng thông qua qua internet.

Khi nhận được đề nghị giao dịch, họ đưa ra hàng loạt điều kiện có lợi cho đối tác, sẵn sàng chấp nhận các điều kiện của hợp đồng, nhưng luôn yêu cầu phía đối tác phải trả trước một khoản phí. Đáng lưu ý trong một số trường hợp có nhiều DN cùng bị lừa chỉ bởi một công ty ma tại nước ngoài.

Do vậy, khi giao dịch với các thị trường mới, DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ về đối tác hoặc liên lạc với các thương vụ nhờ giám định uy tín của đối tác để tránh thiệt hại.

Các tin khác