Trong khi đó, giá đường tinh luyện No.5 trên sàn ICE EU có xu hướng tăng liên tục, khi tới ngày 8-6 giá hợp đồng kỳ hạn tháng 8 giao dịch quanh mức 568USD/tấn, cao hơn khoảng 14,8% so với mức giá trung bình mùa vụ trước.
Cơ cấu cung - cầu
Trong những năm gần đây, Ấn Độ và Brazil cạnh tranh vị trí dẫn đầu về sản lượng sản xuất đường. Ở niên vụ 2016-2017, Bzazil bỏ xa phần còn lại với sản lượng 39,2 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 22,5% tổng nguồn cung thế giới, trong khi Ấn Độ chỉ đạt 22,2 triệu tấn, tương ứng tỷ trọng 12,8%. Tuy nhiên, đến niên vụ 2018-2019, Ấn Độ đã vượt qua Brazil để trở thành quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới với 34,3 triệu tấn, còn sản lượng của Brazil 29,5 triệu tấn. Do đó, năm 2019 Brazil cùng với Australia và Guatemala đã kiện Ấn Độ lên tổ chức WTO về vấn đề chính sách trợ cấp của nước này đối với ngành đường nội địa. Tới tháng 12-2021, Ấn Độ đã thua kiện nhưng vẫn tiếp tục kháng cáo, cho rằng WTO đã sai lầm khi ra phán quyết.
Tuy có sự cạnh tranh rất gay gắt và sản lượng của Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng, nhưng sản xuất đường của thế giới hiện tại vẫn chưa thể lấy lại mức sản lượng kỷ lục 194,2 triệu tấn đã đạt được trong niên vụ 2017-2018. Theo báo cáo phát hành mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ đầu tháng 5, dự báo sản lượng đường niên vụ 2022-2023 khoảng 182,9 triệu tấn. Trong đó, Brazil dự kiến tăng từ mức 35,4 triệu tấn trong vụ trước lên 36,4 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 19,9% trong cơ cấu nguồn cung đường thế giới. Đứng thứ 2 là Ấn Độ với 35,8 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 19,6%.
Tuy sản xuất gặp phải sự so kè quyết liệt từ Ấn Độ, nhưng về thị phần xuất khẩu Brazil vẫn “độc tôn”, với mức xuất khẩu dự kiến trong niên vụ 2022-2023 là 26,6 triệu tấn, tương ứng chiếm 42% thế giới. Thị phần xuất khẩu của Ấn Độ chỉ chiếm 8% với 5,2 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới. Quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu là Thái Lan với 11 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 17%.
Về nhu cầu tiêu thụ, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ lớn nhất với 29,5 triệu tấn đường, chiếm tỷ lệ 16,5% quy mô tiêu thụ của thế giới. Tiếp theo là EU và Trung Quốc với lượng tiêu thụ lần lượt 17 triệu tấn và 15,8 triệu tấn. Tổng nhu cầu tiêu thụ của thế giới dự kiến đạt 178,8 triệu tấn, tương ứng tăng 1,9% so với mùa vụ trước. Con số dự kiến này của Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo là tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa của từng quốc gia, chưa tính tới lượng đường tiêu thụ bởi các công ty sản xuất/chế biến hàng hóa xuất khẩu có sử dụng đường làm nguyên liệu đầu vào.
Về nhu cầu nhập khẩu, Indonesia tiếp tục là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu cao nhất với 5,7 triệu tấn, tương ứng chiếm tỷ lệ 10,1% thị trường nhập khẩu. Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 4,4 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 7,8%.
Các yếu tố ảnh hưởng tới xu hướng giá
Niên vụ 2022-2023 có nguồn cung ổn định hơn so với mùa vụ trước (bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thời tiết tại Brazil). Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết sản lượng của Brazil tăng thêm 1 triệu tấn do năng suất mía cao hơn nhờ thời tiết thuận lợi, dù diện tích thu hoạch mía giảm do nông dân chuyển sang trồng đậu nành và ngô. Tỷ lệ mía dùng cho sản xuất đường và ethanol dự kiến vẫn không đổi (45% cho đường và 55% cho ethanol). Ảnh hưởng chi phí đầu vào bởi giá phân bón tăng vẫn chưa tác động trong niên vụ này do nguồn phân bón đã mua từ trước đó.
Sản lượng đường của Ấn Độ giảm nhẹ và được bù đắp bởi gia tăng sản lượng của Thái Lan và Trung Quốc. Do đó, yếu tố nguồn cung trong năm nay dự kiến không tác động nhiều đến xu hướng giá đường sắp tới. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ đang là ẩn số chưa rõ ràng, sẽ tác động khá lớn đến giá đường trong thời gian tới tùy theo kịch bản tăng trưởng GDP của thế giới. Từ năm 2000 đến nay, nhu cầu tiêu thụ đường có mối tương quan thuận chiều chặt chẽ với quy mô GDP toàn cầu, thể hiện qua hệ số correlation = 0,98.
Tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 vừa được Viện Tài chính Quốc tế (IIP) hạ mức dự báo xuống còn 2,2%, từ mức 4,6% trong dự báo trước đó. Tăng trưởng kinh tế Mỹ, Trung Quốc và EU cũng lần lượt được hạ dự báo xuống còn 2,5%, 3,5% và 1%. Nguyên nhân của việc hạ dự báo tăng trưởng GDP đến từ nhiều yếu tố cộng hưởng, như kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 1,4% trong quý I, lạm phát tăng vọt ở các quốc gia/khu vực kinh tế lớn và vượt tầm kiểm soát bởi Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, xu hướng thắt chặt tiền tệ đang diễn ra bởi Fed và điều tương tự sắp diễn ra bởi ECB…
Nếu tăng trưởng GDP toàn cầu vẫn ở mức 2,2% như dự báo mới nhất của IIP hồi tháng 5, giá đường vẫn tăng tiếp tục và duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, nếu các tổ chức nghiên cứu lớn như IMF, OECD, World Bank tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, phản ánh niềm tin rằng sẽ diễn ra sự suy thoái kéo dài khoảng 2 quý liên tiếp, cho thấy nhu cầu tiêu thụ sẽ sụt giảm đáng kể trong ngắn hạn. Khi đó, giá đường sẽ chịu áp lực giảm cho tới lúc thị trường tìm được điểm cân bằng mới giữa cung và cầu. Mức giá cân bằng dự kiến trong kịch bản này đối với đường thô No.11 trên sàn ICE US khoảng 15,5 cent/pound và 420USD/tấn với đường tinh luyện No.5 trên sàn ICE EU.