Tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nếu không có chữ ký nghiệm thu của tư vấn giám sát (TVGS) thì sẽ không thể bàn giao công trình đưa vào sử dụng được. Tuyến cao tốc trị giá gần 1,65 tỷ USD này có vấn đề về chất lượng, trách nhiệm của TVGS là rất lớn và không thể vô can được.
Tư vấn giám sát - quyền lực như “vua” công trường
Theo Điều 26 của Nghị định 46/2015/NĐ-CP vai trò của đơn vị Tư vấn giám sát quy định rất rõ: Giám sát thi công xây dựng công trình là quá trình kiểm tra giám sát thường xuyên - liên tục và có hệ thống trong quá trình thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình, nhằm đảm bảo chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường khi thi công xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế được duyệt và hợp đồng giao nhận thầu xây lắp.
Trong đó có quy định những điều khoản, công việc cụ thể, như: “Nghiệm thu xác nhận khi công trình đã thi công bảo đảm đúng thiết kế, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và bảo đảm chất lượng; Yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện theo đúng hợp đồng; Từ chối nghiệm thu khi công trình không đạt yêu cầu chất lượng; Đề xuất với Chủ đầu tư xây dựng công trình những bất hợp lý về thiết kế để kịp thời sửa đổi. Giám sát, kiểm tra và báo cáo Chủ đầu tư về chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình do nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung cấp thiết bị thực hiện theo yêu cầu của thiết kế...”.
Tại tất cả các công trình giao thông, xây dựng, theo quy định, chủ đầu tư sẽ không được ký biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình mà phải là TVGS (đây là bên thứ 3 để đảm bảo tính khách quan). Thực tế, tại các công trình, dự án giao thông, kinh phí để nuôi TVGS là không hề nhỏ.
Trên công trường, vai trò của TVGS còn cao hơn cả chủ đầu tư. Nếu TVGS không đồng ý đưa vật liệu, máy móc thì công vào thì công trường coi như nghỉ.
Sau sự cố cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện chi chít ổ gà, ổ trâu, thấm dột nước...ngay khi thông xe được báo chí phản ánh, nhiều người làm trong ngành giao thông cho rằng: đó là điều tất yếu ở các dự án giao thông, xây dựng hiện nay. Nhà thầu đen phải chịu (?!).
Nhiều doanh nghiệp “có số” làm về giao thông cho biết, với cách làm như hiện nay thì “giải nghệ” cho lành vì quá nhiều áp lực.
Để nhận được dự án là cả một quá trình “nếm mật nằm gai”, “chạy” đủ các cửa may ra mới có được công việc. Sau đó, để đưa máy móc thiết bị, vật tư vật liệu vào công trường thi công lại là cả một công đoạn dài mệt mỏi tiếp theo, lại phải “bôi trơn” mới có thể triển khai thi công được.
Nhưng, theo các nhà thầu, khi đã ký được hợp đồng xong với chủ đầu tư, tổng thầu xong, phần việc mà các doanh nghiệp này “sợ vỡ mật” là mỗi khi phải làm việc với TVGS.
“Đội này “hành” ác nhất, nếu không nghe, không tuân thủ thì còn lâu mới được ký biên bản nghiệm thu. Mà công trình, phần việc làm xong phải ký được biên bản nghiệm thu của TVGS mới thanh toán được khối lượng, mới rút được tiền. Chỉ cần “ngâm” 2-3 tuần là vỡ mặt rồi”, chủ một doanh nghiệp cho biết.
Theo vị này, mỗi loại tư vấn lại có cách “hành” khác nhau, TVGS công trường “hành” kiểu ngoài công trường, tư vấn bàn giấy, ký nghiệm thu lại có kiểu “hành” riêng và có luật riêng.
“Có nhiều khi mình làm tốt quá, TVGS không kiếm được gì cũng lại “hành” mình, bắt chạy lên chạy xuống mặc dù mình không sai, không thiếu gì. Nhà thầu nào “yếu bóng vía, TVGS “ép” được thì tiếp theo sẽ là thương lượng để “rút bớt khối lượng để ăn chia, chỉ định công ty sân sau cung cấp vật liệu...”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.
Về gói thầu của Tuấn Lộc, nằm trong gói thầu 4 (đoạn từ Km21+500 – Km32+600) của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giá trị hợp đồng này là hơn 2.000 tỷ đồng bị hỏng mặt đường, một số người có thâm niên trong lĩnh vực này cho rằng, có thể do đơn vị này không “hợp cạ” với Ban QLDA và TVGS nên bị “hành”.
“Bê tông nhựa Asphalt khi từ lò nấu đưa ra thảm mặt đường chỉ đảm bảo trong một thời gian nhất định mới đảm bảo nhiệt độ, chỉ cần bị “làm khó dễ”, quá thời gian quy định thì phải đổ bỏ cả xe đó, trường hợp cố thảm sẽ bị bong, bật không đảm bảo. Vị trí hỏng trên cao tốc đó là ví dụ điển hình nhất về cách “hành” của TVGS trên công trường”, đại diện một nhà thầu chia sẻ.
Giàu lên nhanh chóng nhờ làm “tư vấn giám sát”?
Hiện các dự án, công trình giao thông, xây dựng rất nhiều, nhu cầu về TVGS càng lớn. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều người sau khi tìm cách kiếm cho mình chứng chỉ “Tư vấn giám sát” rồi xin vào các đơn vị TVGS nước ngoài, TVGS độc lập...và nghiễm nhiên trở thành TVGS, đi “hành” và kiếm tiền.
“Nói thật là mấy ông Tây, TVGS người nước ngoài họ sẽ không biết được “mánh” mà mấy ông TVGS người Việt Nam mình “hành” nhà thầu đâu. Việc TVGS “hành” nhà thầu là chỉ mấy ông người Việt mình với nhau, mấy ông nước ngoài chỉ nghe báo cáo và đưa ra phương án thôi. Cần kiểm tra lại quy trình và xử lý những TVGS làm ăn không đàng hoàng...”, vị này chia sẻ.
“Tôi biết có trường hợp sau khi chạy được vào TVGS cho một đơn vị nước ngoài, làm được một thời gian đã có thể làm nhà gỗ to đùng ở quê, mua biệt thự liền kề ở Hà Nội, 2 vợ chồng sắm 2 con “Mẹc”, lại còn khoe góp vốn vào mua mỏ đất này, mỏ đá kia để đón đầu công trình, thử hỏi không “hành” nhà thầu, ăn chia phần trăm thì lấy đâu ra...”, vị doanh nghiệp này thổ lộ.
Quay trở lại câu chuyện đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trị giá hơn 34.000 tỷ đồng vừa thông xe đã hỏng, với cách “hành” của TVGS như ông biết thì việc hỏng này là không có gì quá khó hiểu.
Ở đây, phải làm rõ được vai trò của TVGS, đã nghiệm thu, báo cáo gì cho chủ đầu tư để nghiệm thu công trình. Vai trò của TVGS là không hề nhỏ.
Nếu phải xử lý, truy đến cùng trách nhiệm thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sau là đến TVGS, thứ 3 mới là trách nhiệm của chủ đầu tư -Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Từ những sự việc trên, các doanh nghiệp, nhà thầu giao thông đề nghị phải có biện pháp, cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả TVGS, không để TVGS lũng đoạn như hiện nay.
Đặc biệt, cần xem xét có hay không hành vi móc ngoặc giữa Ban QLDA với TVGS trong việc thi công trên cao tốc tỷ đô này và phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.