Theo VEC, để giải quyết cơ bản tình trạng này cần phải xây dựng nút giao thông khác mức (hầm chui, cầu vượt) tại khu vực nút giao. Tuy nhiên, hiệp định vay vốn của Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7-2021 nên việc sử dụng vốn dư để thực hiện đầu tư nút giao An Phú là không khả thi, nhất là trong điều kiện đang thực hiện tái cơ cấu các dự án của VEC.
Mới đây, UBND TPHCM đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, khẳng định có đủ khả năng sắp xếp vốn để TPHCM triển khai đầu tư nút giao An Phú.
Về việc Sở Giao thông vận tải TPHCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận sử dụng đường dưới cầu tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây làm đường giao thông tạm và cho phép khai thác gầm cầu cạn các tuyến cao tốc làm nơi đỗ xe, VEC cho rằng, việc này có khả năng ảnh hưởng đến công tác bảo trì và kết cấu, công năng của công trình trong trường hợp gặp sự cố.
Liên quan đến vấn đề khai thác an toàn trên cao tốc, VEC cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình trạng vi phạm tải trọng vẫn gia tăng. Cụ thể, 3 quý đầu năm 2019, qua kiểm soát tải trọng 1,84 triệu lượt phương tiện, đã phát hiện 59.000 lượt phương tiện vi phạm tải trọng, từ chối phục vụ 48.000 phương tiện quá tải, cao hơn 55% cùng thời điểm năm ngoái.
Trong 9 tháng qua, trên các tuyến cao tốc VEC xảy ra 66 vụ tai nạn, làm 14 người chết và 93 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do người tham gia giao thông không tuân thủ nghiêm các quy định khi lưu thông như chạy băng qua đường cao tốc; phương tiện đón trả khách, dừng đỗ tại các hàng quán tự phát; không duy trì khoảng cách an toàn giữa các phương tiện; phương tiện mất lái…
Theo VEC, 2 năm gần đây, tỷ lệ tai nạn tăng cao là do VEC không được áp dụng các quy định nội bộ về việc từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông.