Ghi nhận thực tế tại tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngày 12-1, dự án đang còn thực hiện những hạng mục cuối cùng như thi công các tuyến đường dân sinh, đường nối từ huyện Tân Phước đến nút giao thông Thân Cửu Nghĩa còn ngổn ngang, đơn vị thi công đang tiến hành đổ đá, san lấp… Vì vậy ô tô chưa lưu thông được ở những khu vực này. Còn tại tuyến đường nối từ thị xã Cai Lậy (khu vực xã Tân Hội), đơn vị thi công đang tiến hành đổ đá, thảm nhựa. Ở tuyến nối đến nút giao với QL 30 tại km101+126 và đường nối QL 1A cơ bản đã hoàn thành, hiện các phương tiện di chuyển hết cao tốc sẽ rẽ hướng QL 30 để ra QL 1A…
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẵn sàng thông xe kỹ thuật phục vụ người dân dịp Tết Nhâm Dần 2022
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết, sau gần 3 năm tiếp nhận dự án, hiện tại tuyến chính đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành. Riêng tuyến đường nhánh, đường nối mới hoàn thành phần nền đường và đang thi công kết cấu mặt đường. Dự kiến tháng 3 tới sẽ hoàn thành toàn bộ kết cấu mặt đường và hệ thống an toàn giao thông, điện chiếu sáng.
Về chất lượng công trình, ông Hồ Minh Hoàng nói, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua vùng địa chất phức tạp, có đến 45/51,5km đường nền đất yếu, trong đó 40km phải xử lý bằng biện pháp cắm bấc thấm và gia tải, theo dõi quá trình lún. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian theo dõi nền đường vẫn chưa hết lún và cần phải kéo dài thời gian gia tải; đặc biệt khung tiêu chuẩn kỹ thuật giữa quy định và thực tế khác nhau dẫn đến khi xảy ra sự cố, các cơ quan pháp luật sẽ nhận định thiếu chính xác.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, thời gian qua một số dự án cao tốc khi đưa vào khai thác sử dụng đã xảy ra nhiều sai phạm, không đảm bảo về chất lượng công trình. Một trong những nguyên nhân chính là không kiểm soát được chất lượng thi công và kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên tuyến. “Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đang hoàn thiện và chưa được bố trí kiểm soát tải trọng các loại xe quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến. Cho nên, cần có sự chỉ đạo của Bộ GTVT, hỗ trợ kiểm soát của Tổng cục Đường bộ để kiểm tra xử phạt xe quá khổ, quá tải, nhằm đảm bảo tuổi thọ công trình trước khi đưa dự án vào vận hành khai thác chính thức”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.
Đường nối thị xã Cai Lậy vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được thi công. Ảnh: NGỌC PHÚC
Qua kiểm tra thực tế hiện trường, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành tuyến chính, 51,5km/51,5km đã thảm bê tông nhựa; các hạng mục sơn vạch kẻ đường, dải phân cách, lưới an toàn, biển báo… hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc. “Đến nay, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cơ bản đã hoàn thành để Tết Nhâm Dần 2022 đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhằm giảm áp lực cho tuyến QL 1A qua địa bàn tỉnh Tiền Giang”, ông Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dù “hứa hẹn” tháng 3 tới sẽ hoàn thành nhưng dự án vẫn đang gặp vướng mắc là đề án thu phí chưa được phê duyệt. Vì vậy, việc thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án khi đưa vào khai thác trong cuối quý 1-2022 sẽ khó thực hiện. Nhằm triển khai thu phí hoàn vốn, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề nghị Bộ GTVT thống nhất giải pháp thu phí hoàn vốn, vị trí trạm thu phí, ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trước khi đưa vào vận hành thu phí chính thức. Trong đó, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ thống nhất phương án kiểm soát hệ thống camera phạt nguội và bổ sung các trạm cân tải trọng xe trên tuyến để kiểm soát tải trọng trước khi đưa vào vận hành để đánh giá chất lượng công trình.
Để đưa dự án vào vận hành, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết còn nhiều vấn đề cần giải quyết, tháo gỡ. Cụ thể, kiến nghị Bộ GTVT phối hợp tỉnh Tiền Giang mời Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu... hỗ trợ việc điều chỉnh, đánh giá góp ý kiểm soát chất lượng công trình trước khi đưa vào thu phí. Đặc biệt, cần rà soát lại các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn nghiệm thu dự án để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của dự án, làm cơ sở cho việc thanh, kiểm tra hoặc đánh giá sai phạm chính xác.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, với chiều dài toàn tuyến 51,1km, bề rộng mặt đường 17m với 4 làn xe cơ giới. Như vậy, đã qua 13 năm khởi công với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành dự án, đến nay, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành, thông xe chính thức!
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, khuyến cáo, trong quá trình lưu thông, các phương tiện chỉ được chạy trên tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đoạn từ nút giao Thân Cửu Nghĩa tại Km49+620 đến nút giao với QL 30 tại km101+126 và đường nối QL 1A). Các tuyến đường nhánh nút giao Cai Lậy, nút giao Cái Bè, đường nối, đường gom… không được phép lưu thông. Cũng trong thời gian này, các lực lượng của Trung tâm điều hành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang túc trực trên tuyến để điều tiết giao thông, xử lý khi có sự cố xảy ra.
Theo nguồn tin của PV Báo SGGP, ngày 13-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để khảo sát việc đặt trạm thu phí đầu tuyến cao tốc - tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa, cũng như thống nhất tổ chức cho phép người dân lưu thông trên tuyến trước và sau Tết Nguyên đán. |
Trách nhiệm của tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư |