Cập nhật Covid-19 sáng 27-4: Gần 3 triệu ca nhiễm; Canada cảnh báo thuốc sốt rét

(ĐTTCO) - Tổng số ca toàn cầu: 2.993.131 ca nhiễm (+73.727); 206.911 ca tử vong (+3.747); 877.409 ca hồi phục; 1.908.811 ca đang điều trị, trong đó 57.600 ca nguy hiểm; tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân: 26,5 người.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok,Thái Lan, ngày 24/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok,Thái Lan, ngày 24/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ:

Mỹ có số ca nhiễm cao nhất, với 963.379 ca, theo Đại học John Hopkins tính đến sáng sớm 27/4, với 54.810 ca tử vong.

Ở bang New York, số ca tử vong mới ngày 26/4 là 367, giảm nhiều so với 437 vào ngày trước đó. Thống đốc Andrew Cuomo nói một số vùng ở bang này có thể đủ điều kiện để mở cửa lại “với sự thận trọng nhất định”, như vùng phía bắc của bang.

Thêm nhiều bang ở Mỹ gỡ bỏ phong tỏa giữa lúc các nhà kinh tế ước tính tỷ lệ thất nghiệp khoảng 16% cho tháng 4.

Tàu bệnh viện USNS Comfort của Hải quân Mỹ neo đậu tại cảng New York là nơi điều trị cho 182 bệnh nhân COVID-19 tại thành phố này. Theo một quan chức Lầu Năm Góc, tàu bệnh viện USNS Comfort dự kiến rời New York vào cuối tháng này. Thủy thủ đoàn sẽ tiến hành một số công việc như khử trùng, làm sạch tàu, niêm cất trang thiết bị y tế và bảo dưỡng động cơ tàu để chuẩn bị sẵn sàng khởi hành.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định rằng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ phục hồi. Trả lời trong chương trình “Fox News Sunday”, Bộ trưởng Mnuchin nhận định: “Tôi nghĩ rằng khi chúng ta bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 5 và tháng 6, bạn sẽ thấy nền kinh tế thực sự hồi phục vào tháng 7, tháng 8, tháng 9”.

Ông Mnuchin cho biết chính quyền đã đổ vào nền kinh tế một số tiền cứu trợ tài chính chưa từng có trị giá hàng nghìn tỷ USD và điều này sẽ phát huy hiệu quả đáng kể.

Châu Âu:

Có tổng cộng 124.091 ca tử vong trong số 1.368.407 ca nhiễm, theo thống kê của AFP tính đến nửa đêm ngày 26/4, vượt trên các vùng khác như Bắc Mỹ (1 triệu ca), Nam - Trung Mỹ (162.000), châu Á (200.000), Trung Đông (155.000) và châu Phi (hơn 31.000).

Tại Italy, nước đứng thứ hai về số người chết, có số ca tử vong mới trong ngày 26/4 là 260, thấp nhất kể từ ngày 14/3, và giảm 155 ca so với ngày 25/4. Tổng số tử vong ở Italy đã tăng lên 64.928, với tổng cộng 197.675 ca nhiễm.

Vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Italy, ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 là 72.889 ca (tăng 920 trường hợp) và số ca tử vong là 13.325 (tăng 56 trường hợp).

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cùng ngày đã công bố giai đoạn 2 của tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 tại nước này sẽ bắt đầu từ ngày 4/5, đồng thời khẳng định cách duy nhất để sống chung với virus SARS-CoV-2 là người dân duy trì khoảng cách khi giao tiếp xã hội ít nhất 1m.

Theo sắc lệnh mới, từ ngày 4/5, người dân Italy có thể di chuyển trong cùng khu vực sinh sống, song vẫn không được phép di chuyển tới các vùng khác ngoại trừ vì lý do khẩn cấp về sức khỏe hoặc công việc. Các công viên được phép mở cửa trở lại và các đám tang có thể được tổ chức nhưng tối đa 15 người tham dự và phải đeo khẩu trang, tôn trọng khoảng cách an toàn. Tất cả các hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng và cá nhân đều bị cấm. Sắc lệnh mới cũng nêu rõ trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9 và chính phủ đang làm việc để xác định phương thức tiến hành các kỳ thi quốc gia một cách an toàn…

Tại Pháp, số ca tử vong vì Covid-19 tăng thêm 242 vào ngày 26/4, so với 369 trong ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 22.856. Thủ tướng Édouard Philippe cho biết sẽ trình một kế hoạch gỡ bỏ phong tỏa vào ngày 28/2 lên Quốc hội, để Quốc hội tranh luận và bỏ phiếu.

Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết Pháp đang thực hiện hơn 50.000 xét nghiệm/ngày trên toàn quốc. Mục tiêu là đạt từ 500.000 đến 700.000 xét nghiệm/tuần kể từ thời điểm lệnh phong tỏa được dỡ bỏ dần dần, dự kiến vào ngày 11/5.

Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong do dịch COVID-19 tính theo ngày thấp nhất trong hơn một tháng qua. Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết tổng số ca tử vong vì đại dịch ở nước này tính đến 6 giờ sáng ngày 27/4 là 23.190 ca, chỉ tăng 288 ca so với ngày liền kề trước đó. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Tây Ban Nha hiện là 226.629 ca, tăng 2.870 ca so với một ngày trước đó.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã có bài phát biểu trước toàn dân, trong đó ông tuyên bố cho phép người dân ra ngoài trời để tập thể dục kể từ ngày 2/5 tới nếu số ca COVID-19 mới tiếp tục giảm. Ông Sanchez khẳng định người dân có thể sẽ được ra ngoài tập thể thao hoặc đi dạo một mình từ nơi họ cư trú nếu như tình hình đối phó với đại dịch "vẫn tiếp tục có triển vọng".

Đông Nam Á:

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 39.506 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.546 trường hợp mới mắc bệnh.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.411 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 30 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 9.969 trường hợp. Số ca mắc bệnh tại Singapore nhiều hơn hẳn các nước khác, trong khi Indonesia và Phillipines có số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 nhiều nhất.

Trong vòng 24 giờ qua, Singapore có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực với 931 người, tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, Philippines và Indonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh và đây cũng là hai nước duy nhất ghi nhận các ca tử vong trong ngày.

Canada cảnh báo sử dụng thuốc sốt rét:

Canada đã trở thành quốc gia mới nhất trên thế giới ban hành cảnh báo về việc sử dụng thuốc chống sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng như để ngăn chặn các trường hợp tái nhiễm.

Thông báo của cơ quan y tế công Canada cho biết 2 loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng, vì thế chỉ có thể được dùng dưới sự giám sát của bác sỹ.

Thông báo khẳng định cơ quan này quan ngại rằng nhiều người dân có thể mua trực tiếp và sử dụng chloroquine hoặc hydroxychloroquine để ngăn chặn hoặc điều trị COVID-19, lưu ý cả 2 loại thuốc đều có thể gây vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim và dẫn đến tử vong trong trường hợp xấu nhất.

Hôm 23/4, Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng đã ra cảnh báo tương tự về các loại thuốc trên, dù theo Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở thành biện pháp điều trị COVID-19 đầy hứa hẹn.

Chloroquine và hydroxychloroquine hiện là các loại thuốc được dùng trong điều trị sốt rét và một số bệnh liên quan đến tự miễn dịch như lupus hay viêm khớp mãn tính tăng dần.

Tuy nhiên, thuốc có khả năng gây ra những vấn đề về thận và gan, giảm lượng đường trong máu cũng như vấn đề về hệ thần kinh.

Các tin khác