Cấp phép xây dựng qua mạng: Vì sao người dân thờ ơ?

(ĐTTCO) - Do hạn chế về tính tiện ích phần mềm, và người dân chưa có thói quen hay kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) để thực hiện thủ tục hành chính, nên gần 1 năm qua số người dân xin giấy phép xây dựng (GPXD) qua mạng vẫn còn rất ít. Thậm chí có những quận không có bất kỳ hồ sơ nào nộp vào. 
GPXD qua mạng chỉ chiếm 1,3%
Ông Lê Minh Sơn (ngụ đường Đồng Đen, quận Tân Bình, TPHCM), cho biết khi chuẩn bị xây nhà vào tháng 11-2017, ông rất hào hứng với việc xin GPXD qua mạng. Tuy nhiên, sau 1 tuần đọc hướng dẫn, thực hiện các thủ tục vẫn chưa xong, ông trực tiếp lên UBND quận Tân Bình để nộp hồ sơ.
“Thời gian khởi công cận kề, tôi không rành CNTT nên sợ hồ sơ trục trặc lại lỡ ngày động thổ. Do đó, tôi ôm hồ sơ lên quận để xin phép cho chắc ăn. Gặp mặt cán bộ, họ hướng dẫn vẫn dễ hiểu hơn khi làm việc với chiếc máy tính” - ông Sơn nói.
 Con số 1,3% GPXD được cấp qua mạng chủ yếu qua dịch vụ, tức không phải do người dân trực tiếp thực hiện. Để thay đổi thói quen này, cần phải có thời gian. Bởi khi người dân muốn xây nhà sẽ liên hệ với nhà thầu hoặc công ty xây dựng, rồi giao toàn bộ công việc cho họ. Nhà thầu lo bản vẽ thiết kế, tính toán vật liệu xây dựng, xin GPXD… Do đó, việc người dân thờ ơ với cấp GPXD qua mạng cũng là điều dễ hiểu.
Ông Trần Khánh Quang, 
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa
Trao đổi với anh Bùi Đức Bình, nhà thầu xây dựng ở huyện Nhà Bè về việc xin GPXD qua mạng, anh cho biết chưa thi công căn nhà nào được cấp GPXD qua mạng. Các căn nhà anh thầu xây đều do người dân trực tiếp lên quận, huyện xin GPXD.
“Cấp GPXD rất tiện cho người dân, tăng tính minh bạch cho chính quyền, tránh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu khi cấp phép. Tuy vậy, có thể do người dân đã quen với cách làm cũ, ngại thay đổi hoặc sợ rủi ro” - anh Bình nói. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Thủ Đức, cho biết hiện nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ, dữ liệu phục vụ việc triển khai cấp GPXD qua mạng đã sẵn sàng. Quận cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy trình thực hiện cho người dân. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai hồ sơ đề nghị cấp GPXD nhà ở riêng lẻ lên đến hàng chục ngàn, nhưng không có hồ sơ đề nghị cấp GPXD qua mạng.
Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2018 và xây dựng kế hoạch 2019 của Sở Xây dựng TPHCM, cũng chỉ ra việc cấp GPXD nhà ở riêng lẻ qua mạng thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện, tỷ lệ người dân tham gia chưa cao. Cụ thể, từ ngày 15-6-2017 đến ngày 10-5-2018, các quận, huyện đã cấp 707/55.837 GPXD theo quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chỉ chiếm 1,3% tổng GPXD. 
Cấp phép xây dựng qua mạng: Vì sao người dân thờ ơ? ảnh 1 Người dân làm thủ tục xin cấp GPXD qua mạng. 
Dù quy trình đơn giản
Giữa năm 2017, UBND TPHCM ban hành Quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp GPXD nhà ở riêng lẻ. Quy trình này quy định trình tự giải quyết thủ tục cấp GPXD trực tuyến đối với nhà ở riêng lẻ thuộc thẩm quyền của UBND quận huyện.
Để nộp hồ sơ xin GPXD trực tuyến, chủ đầu tư ngồi ở nhà click chuột truy cập vào cổng thông tin điện tử của UBND quận, huyện, lựa chọn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp GPXD nhà ở riêng lẻ. Sau đó tạo lập tài khoản, cung cấp địa chỉ email, số điện thoại liên hệ rồi đăng nhập.
Hồ sơ đề nghị cấp GPXD qua mạng gồm tập tin chứa bản chụp đơn đề nghị cấp GPXD, và những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Tập tin còn có bản chụp bản vẽ thiết kế xây dựng đã được phê duyệt, như mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50-1/500, kèm theo sơ đồ vị trí công trình; mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50-1/200; mặt bằng móng tỷ lệ 1/50-1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50, kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50-1/200; bản chụp báo cáo của chủ đầu tư về kết quả thẩm định thiết kế của cơ quan chuyên môn đối với công trình; cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn công trình; bản chụp bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân thiết kế…
Sau khi nộp hồ sơ trực tuyến, bộ phận 1 cửa điện tử sẽ kiểm tra, tiếp nhận. Nếu hồ sơ đủ, bộ phận này sẽ cấp biên nhận có mã số hồ sơ và ngày hẹn trả kết quả gửi đến chủ đầu tư qua email và tin nhắn điện thoại. Trong vòng 1 ngày làm việc, hồ sơ này sẽ được chuyển tới phòng quản lý đô thị để giải quyết. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ các thành phần, bộ phận 1 cửa điện tử phải thông báo ngay cho chủ đầu tư qua email và tin nhắn điện thoại để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ trực tuyến, phòng quản lý đô thị phải kiểm tra thực địa và tổ chức thẩm định để giải quyết hồ sơ. Hồ sơ nào không đáp ứng được các yêu cầu, trong thời hạn 3 ngày làm việc, phòng quản lý đô thị tham mưu UBND quận, huyện có văn bản thông báo gửi chủ đầu tư về lý do không cấp GPXD.
Nếu hồ sơ đủ điều kiện, phòng quản lý đô thị thực hiện các thủ tục cần thiết để trình UBND quận, huyện ký, đóng dấu và phát hành trong thời hạn không quá 15 ngày theo quy định. Nếu trễ hẹn, UBND quận, huyện phải có thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do và thời gian kéo dài thêm không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn.
Chủ đầu tư sẽ tới nhận kết quả trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận, huyện hoặc thông qua dịch vụ bưu điện đã thỏa thuận, ký kết theo thời hạn ghi trong biên nhận điện tử. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng qua mạng đối với nhà ở riêng lẻ 50.000 đồng/giấy phép.

Các tin khác