(ĐTTCO) - Kết quả công bố sơ bộ cho thấy lợi nhuận trước thuế năm 2015 của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014.
![]() |
Đây là một kết quả rất khả quan của BIDV sau khi sáp nhập MHB. Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), hệ số CAR (hệ số an toàn vốn tối thiểu) của BIDV chỉ vừa đủ đạt mức an toàn 9% theo quy định. Đặc biệt, NH này cũng “hoãn” việc ghi nhận 1.800 tỷ đồng vốn cấp 2 đã huy động được trong tháng 6 -2015.
Ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV, cho biết cùng với thành công của thương vụ sáp nhập MHB, BIDV đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2015. Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản BIDV có quy mô dẫn đầu thị trường, đạt trên 857.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2014. Các chỉ tiêu khác cũng có sự tăng trưởng so với năm 2014: tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt trên 799.000 tỷ đồng, tăng trên 22%; tổng nguồn vốn huy động đạt gần 793.000 tỷ đồng, tăng 26%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.036 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Các chỉ số về khả năng sinh lời của BIDV cũng đạt ở mức khá cao như ROE đạt gần 15% và ROA đạt 0,76%. Đặc biệt, BIDV là một trong các NH có tỷ lệ nợ xấu thấp với tỷ lệ chỉ còn 1,71%.
Theo HSC, uớc tính hệ số CAR của BIDV có thể chỉ trên 9% một chút vào thời điểm hiện tại (theo Thông tư 36, NHNN yêu cầu hệ số CAR tối thiểu 9%). Sự suy giảm của hệ số CAR có lẽ do NH chưa thực hiện xong việc phát hành riêng lẻ cho một đối tác chiến lược trong năm 2015 theo kế hoạch ban đầu, đồng thời do tăng trưởng tín dụng cao. BIDV cũng là NH niêm yết duy nhất chạm trần mức cho phép của phát hành nợ thứ cấp làm vốn cấp 2.
Trong tháng 6-2015, BIDV đã phát hành khoảng 3.300 tỷ đồng trái phiếu không đảm bảo dài hạn. Tuy nhiên BIDV chỉ ghi nhận 1.500 tỷ đồng số tiền huy động từ phát hành này làm vốn cấp 2 trong năm 2015, do vượt mức trần quy định (các khoản vay thứ cấp trong nợ cấp 2 không được vượt quá 50% tổng vốn cấp 1). Có nghĩa BIDV cần nhanh chóng tăng vốn sở hữu, khi đó NH có thể ghi nhận toàn bộ giá trị còn lại từ phát hành nợ thứ cấp trước đó để tăng vốn.
Theo lộ trình áp dụng các chuẩn mực vốn Basel II (chuẩn mực quản trị và an toàn hoạt động của NH hiện đại trên thế giới) của NHNN, dự kiến tháng 2-2016 sẽ có 10 NHTM được lựa chọn áp dụng thí điểm để tiến tới những chuẩn mực này (chắc chắn trong đó có BIDV). Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), xếp hạng của BIDV sẽ bị ảnh hưởng do hệ số CAR khá thấp. Để nâng cao CAR, một trong những cách là BIDV phải tăng vốn điều lệ. Muốn vậy trong thời gian tới có thể phải huy động vốn từ nhà đầu tư tổ chức, nhưng việc phát hành cổ đông lớn hiện hữu đã được khai thác gần như tối đa.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá của BIDV đang được giao dịch xung quanh 19.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 55% so với thời điểm đầu năm 2015, tăng từ vùng giá 12.200 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là một trong những cổ phiếu NH có mức tăng ấn tượng trong năm qua. Đánh giá về cổ phiếu này, HSC cho rằng triển vọng tăng trưởng sẽ kém khả quan. Còn theo VCSC, mức giá cổ phiếu trên phù hợp với thị trường.
Như vậy, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh rõ ràng trong năm qua là 1 năm thành công với BIDV. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ an toàn hay đáp ứng được các tiêu chí của Basel, BIDV chưa thực sự thành công. Với thực trạng này việc cổ phiếu BIDV tăng trưởng tiếp là một điều không dễ dàng.