Hội thảo góp ý Dự án luật do Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức ngày 11-9. Ảnh: MAI HOA
Dự thảo luật đang được lấy ý kiến đưa ra 2 phương án. Một là không bổ sung, bởi lẽ việc thi hành cũng như cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hiện nay gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nếu bổ sung biện pháp này có khả năng ảnh hưởng đến các tổ chức cá nhân không vi phạm. Phương án 2 là bổ sung nhưng chỉ thực hiện tại nơi vi phạm, áp dụng trong lĩnh vực xây dựng và bảo vệ môi trường. Điều kiện kèm theo là cắt điện, cắt nước sẽ không làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác không liên quan.
Tại buổi góp ý, một số ĐB cho rằng, nếu quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thi hành sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.
Các đại biểu đến từ các Sở Xây dựng TPHCM, Sở TN-MT TPHCM, Công an TP đều tán thành bổ sung biện pháp này. Ông Phạm Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở VH-TT TPHCM, cũng đồng tình với việc bổ sung biện pháp cắt điện nước vì hiện nay để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không dễ dàng.
Trong vai trò chủ trì hội thảo, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng, ngừng cung cấp điện, nước chỉ là một trong những biện pháp đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào biện pháp này. Cắt điện nước rồi, người vi phạm có thể tiếp cận điện nước từ những nguồn khác và vi phạm tiếp.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng không nên bổ sung biện pháp này do chưa đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Ngoài ra, việc cắt điện, nước với điều kiện “không làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác” là khó khả thi. Chẳng hạn trong trường hợp nhiều công ty cùng đặt văn phòng tại một tòa nhà, việc cắt điện nước đối với một hay một vài công ty sẽ khó thực hiện.