2018 - năm của cải cách ĐKKD
Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018” do Phòng Thương mại -Công nghiệp (VCCI) công bố ngày 15-1, nhận định 2018 được xem là năm của cải cách các điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Ngay từ đầu năm, chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD đã được Chính phủ chỉ đạo trong các nghị quyết với tỷ lệ cắt giảm đều trên 50%.
Tính đến hết tháng 11-2018, đã có 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm ĐKKD được ban hành và sửa đổi 80 nghị định. Tương ứng với các ĐKKD được cắt giảm, đơn giản, các thủ tục hành chính (TTHC) cũng được đơn giản, thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các bộ đã có những nỗ lực lớn trong cải thiện từ phương thức thực hiện thủ tục (TTHC trên môi trường điện tử, tạo cơ chế một cửa…) đến đơn giản hóa các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ, hay thay đổi cơ bản về tư duy quản lý dẫn tới những chuyển biến về TTHC.
Cải cách về thủ tục chuyên ngành cũng có những bước chuyển đáng ghi nhận. Thí dụ, thu hẹp danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành, tạo cơ chế để tư nhân có thể tham gia hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, kết nối thủ tục trên cổng thông tin một cửa quốc gia… Ngoài ra, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với từng bộ, địa phương để giám sát cũng như thúc đẩy các hoạt động cải cách về chính sách cũng như thực thi.
Tình trạng “bỏ cũ thêm mới” trong cắt giảm ĐKKD vẫn khá phổ biến.
2018 cũng được cho là năm các nhà quản lý, hoạch định chính sách có những chuyển mình rất tích cực, có những bước đột phá về tư duy quản lý và môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, những cụm từ như “cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, “thời đại 4.0”, “kỷ nguyên kinh tế số” được nhắc đến ngày một phổ biến. Điều này không chỉ phản ánh đây là một trào lưu mà thực tế đã trở thành định hướng phát triển quan trọng cho đất nước trong thời gian tới.
Do đó, từ góc độ quản lý nhà nước, nhiệm vụ đổi mới phương thức quản lý theo định hướng này cũng được đặt ra. Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi các bộ, ngành và toàn thể bộ máy nhà nước có rất nhiều việc phải làm, nhiều khía cạnh phải điều chỉnh, thay đổi, thậm chí phải xây dựng mới.
Điểm nghẽn thể chế
Điểm nghẽn thể chế
Trong năm 2018, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành 16 luật, 169 nghị định, trong đó tỷ lệ luật, nghị định liên quan đến doanh nghiệp (DN) chiếm khoảng 65%. Đối với thông tư, năm 2018, các bộ, ngành đã ban hành 590 thông tư, trong đó tỷ lệ thông tư liên quan đến DN là 85%. Tính trong 10 văn bản góp ý về ĐKKD của các bộ, ngành, VCCI có 90 kiến nghị, tỷ lệ tiếp thu 27,78%.
Tuy nhiên, về phía cộng đồng DN cũng đặt ra nhiều câu hỏi, liệu các cải cách trên có thực chất, có tác động thực tế tới DN và có đủ sức tạo đà cho sức bật của nền kinh tế trong những năm tới? Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng dù năm 2018 ghi nhận những cải cách bước đầu, song về cơ bản công cuộc cải cách vẫn đang gặp phải những điểm nghẽn.
“2019 sẽ là năm bắt đầu thời kỳ “đổi mới lần hai” của Việt Nam với sự cộng hưởng của công cuộc phòng chống tham nhũng, cải cách thể chế đang phát triển mạnh mẽ. Đó là những nhân tố tạo ra những triển vọng tốt đẹp cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta vẫn đang gặp phải những điểm nghẽn, mà cái gốc ở đây là thể chế” - ông Lộc nói và cho rằng hiện nay chúng ta vẫn dùng tư duy cũ để quản lý mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn còn rất thủ công. Cơ quan quản lý vẫn chăm lo các ưu đãi, chưa chăm lo đến cái gốc là cải cách thể chế, như vấn đề sở hữu tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước... Nhìn chung, việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vẫn còn rất gian nan.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, qua rà soát có sự chưa nhất quán giữa các bộ, ngành trong cắt giảm các ĐKKD và nhiều bất cập vẫn tồn tại. Cụ thể, tình trạng “bỏ cũ thêm mới” trong cắt giảm ĐKKD vẫn khá phổ biến. Để quá trình cắt giảm ĐKKD trong năm 2019 đạt kết quả như kỳ vọng, cần có sự nỗ lực mạnh mẽ hơn từ sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ, sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, cơ quan đơn vị nhà nước, đặc biệt cải cách phải đi vào thực chất, không mang tính hình thức và đối phó.
Trong khi đó, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, bày tỏ lo ngại về sự thiếu đồng bộ và nhất quán trong cải cách giữa Chính phủ và các bộ, ngành. “Một trong những thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hiện nay là động lực cải cách mới xuất phát từ Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ áp đặt xuống, yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải cải cách. Gần như chưa có cơ quan nào tự có sáng kiến cải cách đệ trình lên Chính phủ. Tôi đặt câu hỏi: vậy động lực cải cách này sẽ ra sao khi Chính phủ không còn yêu cầu hoặc giảm bớt yêu câu đối với bộ ngành? Vậy đâu là động lực để duy trì cải cách?” - TS. Hiếu đặt vấn đề.
Một số sửa đổi tại các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động. Một số ĐKKD được sửa đổi gây khó khăn hơn cho DN hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại đẻ thêm giấy phép khác. Việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho DN. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI |