Các rào cản được dựng lên từ hàng trăm ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, với hàng ngàn điều kiện kinh doanh, trong đó không ít điều kiện bất hợp lý, hành doanh nghiệp.
Tồn tại 3.407 điều kiện kinh doanh
Theo Báo cáo Điều kiện kinh doanh 2017 của CIEM, hiện có 7 ngành nghề, 5 dịch vụ, và 19 hàng hóa cấm kinh doanh; 12 ngành nghề chỉ DNNN được kinh doanh; 1 dịch vụ, 7 hàng hóa hạn chế kinh doanh. Bên cạnh đó, có 243 ngành nghề, 69 dịch vụ, 23 hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Riêng 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó chỉ là ngành nghề kinh doanh mẹ, trong từng lĩnh vực cụ thể, mỗi ngành nghề kinh doanh mẹ lại gồm nhiều ngành nghề kinh doanh con, cháu. Điều này cho thấy số ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay nếu thống kê đầy đủ lên tới hàng nghìn ngành nghề.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực giao thông vận tải số ngành nghề kinh doanh có điều kiện mẹ được thống kê là 30, nhưng số ngành nghề kinh doanh có điều kiện con lên tới 63 ngành nghề. Con số tương tự với các lĩnh vực tài chính 20 ngành mẹ, 60 ngành con; lĩnh vực y tế 16 ngành mẹ và 52 ngành con; lĩnh vực xây dựng là 17 ngành mẹ và 26 ngành con; lĩnh vực ngân hàng 8 ngành mẹ và 31 ngành con…
Về hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo khảo sát của CIEM, có 31 dịch vụ, hàng hóa kinh doanh có điều kiện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 61 không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Số văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành ban hành đang có hiệu lực hiện nay khoảng 300 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, ngành Công Thương dẫn đầu với 37 văn bản, kế tiếp lần lượt là ngành Giao thông Vận tải 31 văn bản, Tài chính 26 văn bản, Văn hóa-Thể thao-Du lịch 25 văn bản, Y tế 18 văn bản… Việc ban hành các văn bản này đã hình thành nên hàng trăm, hàng ngàn điều kiện cản trở sự thông thoáng của môi trường kinh doanh.
Trình bày báo cao về điều kiện kinh doanh 2017, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cho biết các bộ ngành đang quy định 3.407 điều kiện kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực. Số điều kiện kinh doanh trong ngành Công Thương hiện nay nhiều nhất với khoảng 700 điều kiện kinh doanh đã được bộ này ban hành. Một số bộ ngành khác cũng đang duy trì hàng trăm điều kiện kinh doanh như ngành Giao thông Vận tải có 376 điều kiện, Tài chính 490 điều kiện, Y tế 327 điều kiện, Nông nghiệp-Phát triển nông thôn 270 điều kiện kinh doanh…
Cũng theo vị này, nếu chia trung bình 243 ngành nghề kinh doanh mẹ có điều kiện, mỗi ngành có 25 điều kiện kinh doanh, còn chia cho 600 ngành nghề con, mỗi ngành có từ 5-6 điều kiện kinh doanh. Đây là một rào cản thực sự lớn với quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm qua. Hàng ngàn điều kiện kinh doanh hiện nay có thể chia theo các nhóm điều kiện về hình thức pháp lý, điều kiện về năng lực sản xuất, điều kiện về nhân lực, điều kiện về năng lực tài chính.
Phải “cắt xén, chặt chém” bớt điều kiện kinh doanh
Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra, hàng ngàn điều kiện kinh doanh đang tạo ra 5 nguy cơ bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đó là tăng rủi ro; hạn chế sáng tạo, hình thành chuỗi DN; rảo cản bất lợi cho khu vực DNNVV; hạn chế cạnh tranh; đặc biệt làm gia tăng chi phí kinh doanh.
Đánh giá về quá trình cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu khẳng định giai đoạn cải cách thành công nhất từ 2000 - 2003, thông qua việc rà soát, đánh giá các giấy phép kinh doanh, Thủ tướng đã quyết định bãi bỏ khoảng 160 giấy phép kinh doanh con không cần thiết, không hợp lý. Giai đoạn 2003 - 2014, trước khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 ban hành, không có thêm cải cách đáng kể nào được thực hiện thành công đối với quy định về điều kiện kinh doanh. Quá trình cải cách từ 2015 đến nay, thành công được ghi nhận ở nội dung hạn chế việc tùy tiện ban hành điều kiện kinh doah của các bộ, ngành, địa phương.
Còn theo lý giải của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), thời gian qua càng cải cách càng không đạt mục tiêu, bởi giấy phép kinh doanh giờ tinh vi hơn, như thủ tục thương mại; văn bản chấp thuận tuyến vận tải; văn bản chấp thuận của nhà sản xuất; hiện có nhiều loại quy hoạch ngành như một loại giấy phép, mà loại này thường không có trình tự, không có hồ sơ.
“Ta đặt ra giấy phép để đạt mục tiêu quản lý nhà nước trong khi ta phải quản lý về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm. Có một số điều kiện kinh doanh hiện nay được ban hành để loại bỏ đối thủ, như Nghị định về kinh doanh gas. Có nhiều giấy phép tạo quyền lợi cho một doanh nghiệp, một nhóm doanh nghiệp. Hoạt động cấp phép thường tạo ra một quyền lực cho cơ quan quản lý” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, chua chát thừa nhận rà soát điều kiện kinh doanh thôi không bao giờ thành công. Bởi đọc điều kiện kinh doanh tại Việt Nam tức đến mức tăng xông. Tại sao chúng ta lại hành doanh nghiệp như vậy? Ví dụ như nghị định chế biến thực phẩm đòi hỏi phải dùng muối i-ốt trong khi chế biến ở nhiệt độ cao muối đâu còn i-ốt. Nhiều điều kiện kinh doanh đang vô lý như vậy. Muốn xây dựng một chính phủ kiến tạo, đầu tiên phải chuyển từ chính phủ kìm hãm phát triển sang chính phủ tạo thuận lợi cho phát triển đã.
Để loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang tồn tại trong số 3.407 điều kiện kinh doanh, viện CIEM kiến nghị cần phải mạnh tay “cắt xén, chặt chém” các quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí với DN. Đồng thời cần thành lập cơ quan độc lập để thực hiện rà soát, và cắt xén các quy định vô lý này. Quá trình loại bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp lý không thể tiếp tục thực hiện từ dưới lên, để các bộ, ngành, địa phương tự thực hiện vì nó liên quan đến quyền quản lý và lợi ích của chính họ.
Kinh nghiệm này cũng được các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Australia, Mexico, Thụy Điển… thực hiện thành công trong những năm trước đây. Tại Thụy Điển, để loại bỏ các rào cản điều kiện kinh doanh, năm 1980 nước này đã ban hành một “đạo luật cắt xén”, giúp bãi bỏ hàng trăm quy định không được đăng ký. Khi đó có quá nhiều quy định về điều kiện kinh doanh mà chính phủ nước này không thống kê hết, vì vậy chính phủ đã đưa ra thời hạn 3 tháng để tất cả các bộ, ngành loại bỏ quy định cũ, xây dựng quy định mới dưới sự giám sát của cơ quan độc lập để loại bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý.