Hiện tượng ngập nước, kẹt xe… có cái hữu hình rồi vô hình. Đối với nhà chuyên môn, chúng tôi gọi đó là bệnh lý đô thị. Một đô thị phát triển không đồng bộ sẽ nảy sinh những bệnh lý đô thị. Nếu như người làm công tác quản lý biết trước những bệnh lý đó sẽ không để xảy ra, hoặc xảy ra nhẹ hơn.
Nhìn chung đô thị nào cũng có tình trạng này, vấn đề là nặng hay nhẹ, nhiều hay ít. Việt Nam là nước mới phát triển, sau chiến tranh chúng ta mất mát nhiều. Từ đó chúng ta gượng dậy và đi lên bằng đôi chân của mình. Chúng ta đang nỗ lực khắc phục từng bước, nhưng do trình độ thế giới phát triển quá nhanh, nên ta chưa bắt kịp. Song vì thế chúng ta lại buông lơi việc giải quyết bệnh lý đô thị.
PHÓNG VIÊN: - Nhiều năm qua, vấn nạn ách tắc giao thông đang phá vỡ cấu trúc đô thị TPHCM, gây ra nhiều hệ lụy. Vậy cần kíp phải tái cấu trúc đô thị lại, thưa ông?
KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI: - TPHCM sau năm 1975 đã có nhiều xe máy, xe buýt, nhưng chưa phát triển lắm. Những năm sau đó dân cư phát triển ồ ạt, hình thành những khu dân cư mật độ cao như Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân… trong khi hệ thống giao thông nội đô chưa phát triển kịp. Do đường nhỏ, người dân chủ yếu sử dụng xe gắn máy tham gia giao thông.
Trong điều kiện nước ta thời gian này, đi xe máy rất tiện lợi, chủ động được nhiều công việc, lại có giá tiền rẻ. Do lượng xe máy tăng đột biến, nạn kẹt xe cũng tăng lên cấp số nhân. Trong khi đó, đường giao thông làm chậm quá. Tiền đầu tư làm đường không bao nhiêu, nhưng tiền đền bù giải tỏa lại rất lớn.
Ai cũng biết sử dụng phương tiện công cộng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, nhưng hệ thống đường của TP chưa phủ đều hết nên phải chấp nhận xe gắn máy. Hiện TPHCM có chủ trương sẽ hạn chế dần xe máy trong TP vào các năm tới, đó cũng là hướng giải quyết tốt.
Hệ thống giao thông nội đô chưa theo kịp phát triển dân số.
Thực trạng TPHCM hiện nay, do công tác quy hoạch phải có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu, kế hoạch thực hiện, chuẩn bị ngân sách nên không đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế, từ đó sinh ra các khu dân cư tự phát có mật độ cao ngày càng rộng. Môi trường sống bị ô nhiễm từ sinh hoạt của người dân, việc đi lại bị ùn ứ, hạ tầng xã hội quá tải, hạ tầng kỹ thuật không thỏa mãn được sự gia tăng dân số.
Chính vì thế, TP cần phải tái cấu trúc đô thị để giải quyết các vấn nạn liên quan đến kẹt xe, ngập nước. Trong việc đi lại của người dân TP, chỉ có giao thông công cộng vận chuyển với số lượng lớn mới giải quyết được ùn tắc giao thông. Và người dân sẽ sử dụng khi các phương tiện công cộng vận chuyển chính xác, thuận lợi, chi phí rẻ và tiết kiệm được thời gian.
Trong bối cảnh này, metro sẽ giải quyết được yêu cầu đó. Song, do kinh phí đầu tư quá lớn, khả năng ngân sách không thể cung cấp đủ nên cần có giải pháp tạo nguồn kinh phí đầu tư, đưa vào bố trí hệ thống mạng lưới metro, vị trí các trạm và quan trọng là biết khai thác giá trị các trạm.
- TPHCM hiện là một đô thị quá đông đúc, việc di dời các bệnh viện, trường học ra ngoại ô là điều tất yếu. Ông nhận thấy vấn đề này như thế nào?
- Khi một bệnh lý đô thị xảy ra, nó đều có mối quan hệ lẫn nhau trong quá trình phát triển, không phải chữa cái này xong lại chữa cái khác, nó đều phải điều trị giống nhau và cùng một lượt. Khi phát triển khu đô thị mới, sẽ kéo giãn dân số, giảm ách tắc giao thông.
Muốn kéo dân số ra, chúng ta phải đầu tư hạ tầng xã hội, trường học, y tế. TP đã có kế hoạch đưa các bệnh viện ra ngoại ô, như tại các quận Thủ Đức, các huyện Bình Chánh, Củ Chi, các Bệnh viện Ung bướu, Nhi đồng đã được di dời tới. Việc di dời này thực hiện từng bước, vì ngân sách nhà nước có hạn. Bên cạnh đó, các trường đại học hiện đều nằm trong nội thành, với số lượng hàng trăm ngàn sinh viên theo học, chủ yếu đi lại bằng xe máy. Việc di dời các trường đại học ra ngoại ô cũng sẽ giảm ách tắc giao thông nội đô.
Trước kia, diện tích TPHCM nhỏ, trong khi các cơ sở sản xuất đều tập trung trong nội thành. Hiện nay quy mô diện tích của TP ngày càng mở rộng, các cơ sở sản xuất lọt thỏm trong nội ô. Cách đây chừng 20 năm, TP đã có chủ trương di dời nhà máy ra ngoài ngoại vi, đưa vào các khu công nghiệp tập trung, ở đó có điện, nước, hạ tầng đầy đủ.
Cơ bản của việc làm này là đưa lượng công nhân rất lớn đi làm ở các nhà máy ra ngoại thành. Hiện chương trình chỉnh trang đô thị nằm trong 7 chương trình đột phá của TP đến năm 2020. Thế giới đang phát triển ào ào, mình không thể đứng yên được. Phải vừa chạy, vừa chỉnh sửa. Khi mà làm như vậy, công việc phức tạp, khó khăn hơn nhưng phải chấp nhận. Một TP lớn với điều kiện thực tế hiện tại, đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm nhìn xa hơn.
Tôi thấy những kế hoạch điều chỉnh thời gian qua, như đô thị thông minh là rất tốt. Đô thị thông minh để mình có cơ hội tập hợp lại các nhà trí thức, nhà khoa học làm ra những sản phẩm chất lượng cao. Những sản phẩm đó nâng cao trình độ nhận thức của người dân. Bản thân người dân sống trong khu đô thị đó nhận thấy họ cũng phải thông minh, phải đọc sách, lướt web. Khi kẹt xe, người dân mở mạng là biết ngay chỗ nào là điểm đen giao thông để tránh. Rồi vấn đề an toàn đi lại, đô thị thông minh sẽ kiểm soát được.
Trong những năm tới, theo tôi cấu trúc đô thị TPHCM cần phải thay đổi. Theo đó, phát triển nhiều cụm nhà cao tầng ở các quận ngoại ô, gần các ga cuối tuyến metro. Như vậy sau này sẽ thuận lợi cho sự di chuyển của người dân, với phương tiện metro là chính. Khi đó, xe máy sẽ không còn là duy nhất nữa và đô thị sẽ tự chuyển động thích hợp với không gian mới.
- Xin cảm ơn ông.
Thay vì tập trung nhà cao tầng ở các quận trung tâm, rồi thấp dần ra bên ngoài, cần tập trung nhà cao tầng ngoài đô thị với quy mô nhỏ, diện tích đủ để tổ chức hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, thương mại, giải trí, thể dục thể thao, nhằm giảm bớt sự đi lại của người dân. Trong nội đô tập trung đầu tư các công trình công cộng và nhà ở cao tầng tại các trạm metro. |