Cầu vốn giữa DN và NH: Gãy do đâu?

Trong khi doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng khiến tình trạng sản xuất đình trệ, thì ngân hàng giải thích, rất muốn cho doanh nghiệp vay nhưng không biết… tin vào đâu!

Trong khi doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng khiến tình trạng sản xuất đình trệ, thì ngân hàng giải thích, rất muốn cho doanh nghiệp vay nhưng không biết… tin vào đâu!

Số liệu thống kê của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN)”, do Viện Chiến lược và chính sách tài chính phối hợp với ĐH Tài chính - Marketing tổ chức ngày 11-2, riêng năm 2011, số DNVVN phá sản đã gần 50.000. Hiện nay, đối tượng doanh nghiệp này vẫn tiếp tục “rơi rụng”, dù mỗi năm họ đóng góp 60% tăng trưởng GDP của cả nước.

Chính sách và ưu đãi chưa minh bạch

Khẳng định khoảng 40% DNVVN hiện nay không tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng, chuyên gia Nguyễn Thị Canh nói: “60% doanh nghiệp tiếp cận được vốn nhưng còn rất nhiều vấn đề đằng sau sự tiếp cận này”. Chẳng hạn để vay được vốn từ tín dụng ưu đãi, doanh nghiệp phải “đóng phí không chính thức” và “ăn chia với ngân hàng phần được ưu đãi”.

Nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM nhưng phải lập chi nhánh tại Bình Dương, vì “vay vốn ưu đãi tại tỉnh này thì ăn chia ít hơn”. Hiện tượng này không chỉ tồn tại ở một tỉnh, thành mà có mặt khắp nơi như TPHCM, Bình Dương, một số tỉnh ĐBSCL. “Do không minh bạch nên rất ít doanh nghiệp được hỗ trợ từ chương trình tín dụng ưu đãi”, bà Canh nhấn mạnh.

Ngoài tín dụng ưu đãi, DNVVN hiện nay còn được hỗ trợ từ 12 loại quỹ, nhưng không biết các quỹ hoạt động ra sao, có hỗ trợ được gì không khi các DNVVN vẫn không tiếp cận được vốn. Theo bà Canh, Bộ Tài chính nên đánh giá lại hoạt động của các loại quỹ này, để có thể hỗ trợ thiết thực hơn cho doanh nghiệp.

Trong năm 2011 và đầu năm 2012, nhiều nhóm doanh nghiệp được xếp vào diện được ưu tiên hỗ trợ vay vốn, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp…

Nhưng theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO), cho đến nay, chính sách cung vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu vẫn chưa có gì cả nếu không muốn nói là… không thấy đâu. “Tất cả vẫn là tín dụng thắt chặt với doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu. Vấn đề tài chính hiện vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Cách điều hành nguồn tài chính thế này sẽ khiến doanh nghiệp không có lối thoát”, ông Mạnh lo lắng.

Thiếu… hiểu biết lẫn nhau!

Tự nhận doanh nghiệp mình là may mắn khi đến nay vẫn vay vốn được từ 3 ngân hàng lớn, ông Phạm Như Bách, Giám đốc điều hành Công ty CP Mai Lan (vốn điều lệ 56 tỷ đồng), cho biết đa phần vốn vay của công ty là vay ngắn hạn. Sở dĩ doanh nghiệp ông Bách vẫn vay được vốn từ ngân hàng là “do tương tác giữa công ty và ngân hàng rất tốt” vì “trước tiên doanh nghiệp phải biết giữ chữ tín và làm ăn đứng đắn”.

Song nhìn từ phía khác, ông Bách cũng cho rằng, nhiều DNVVN mới thành lập, vốn liếng chưa nhiều, đang củng cố chữ tín cũng không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, do “Ngân hàng không chấp nhận rủi ro, không chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, cộng đồng”.

Đồng tình với nhận xét này, ông Lê Đức Hải, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn, cho biết, BIDV đang hướng đến DNVVN, giảm dần cung ứng vốn cho doanh nghiệp lớn và cá nhân, nhưng thực sự giữa DNVVN và ngân hàng vẫn chưa gặp nhau. “Ngân hàng nhiều khi không biết làm gì, vì hiện nay các ngân hàng đều theo chuẩn ISO mà các DNVVN nhiều khi không đáp ứng các tiêu chí này”.

Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp khi đi báo cáo thuế thì gửi báo cáo tài chính là lỗ, nhưng khi gửi báo cáo tài chính để vay vốn lại có lãi. “DNVVN không chuẩn mực trong báo cáo tài chính, điều này cũng tương ứng về chữ tín, một số còn sử dụng vốn sai mục đích, vay 10 đồng thì chỉ 2 đồng sử dụng vào mục đích vay,  8 đồng đi sử dụng mục đích khác”, ông Hải giãi bày.

Đây cũng là chia sẻ của ông Đỗ Lam Điền, Phó tổng giám đốc khách hàng doanh nghiệp, giám đốc vùng miền Nam, Ngân hàng Maritimebank: “Ngày xưa, ngân hàng chờ khách hàng nhưng nay ngân hàng phải đi tìm khách hàng. Ngân hàng luôn muốn cho vay nhưng cơ sở để duyệt vay không thể dựa vào ý nghĩa xã hội của khoản vay”. Để quan hệ cho vay giữa ngân hàng và DNVVN thuận hơn, ông Điền cho rằng “cần sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn”.

Các tin khác