Cây cầu nối những niềm vui

(ĐTTCO) - Những ngày cuối năm, người dân ở quận Gò Vấp, quận 12 và huyện Nhà Bè, TPHCM vui mừng vì 2 cây cầu sau hàng chục năm thi công đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đó là cầu Phước Lộc và cầu An Phú Đông.
Cầu Phước Lộc nối 2 xã Phước Lộc - Phước Kiển của huyện Nhà Bè vừa thông xe ngày 7-1
Cầu Phước Lộc nối 2 xã Phước Lộc - Phước Kiển của huyện Nhà Bè vừa thông xe ngày 7-1

Đường mới thênh thang

Lái chiếc xe hơi 4 chỗ chạy bon bon qua cầu Phước Lộc về thăm gia đình bên ngoại ở trên đường Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, vợ chồng anh Long, chị Liên ríu rít vui mừng vì từ nay có thể đưa con về thăm ông bà thường xuyên hơn. Từ nhà ở phường Phú Hữu, quận 9 về đây giờ chỉ mất khoảng 40 phút, thay vì phải đi đường vòng mất gấp đôi thời gian.

“Tất cả là nhờ cây cầu này”, chị Liên nói. Trước đây, nhà cha mẹ chỉ cách cầu Phước Lộc chừng non cây số, mà cầu cũ nhỏ, chỉ rộng hơn 2m, tải trọng 0,5 tấn, cấm xe hơi qua cầu nên nhìn trên bản đồ thì gần chứ đi thì xa vời vợi. Có lần cha trở bệnh nặng, 2 vợ chồng vừa chạy xe về vừa khóc vì ấm ức “đường thì gần mà đi thì xa quá”.

Bây giờ, đường về nhà của gia đình chị dễ dàng hơn qua cây cầu mới dài 386m, với 2 làn xe hỗn hợp. Ngày thông xe (7-1), người dân 2 bên tập trung từ sáng sớm chờ giây phút cơ quan chức năng cho lưu thông. “Phấn khởi lắm, chờ gần 8 năm mới có cây cầu này”, ông Trần Văn Kết, một người dân ở Nhà Bè cười tươi. Bà Trần Thị Út, buôn bán phía bên đầu cầu xã Phước Kiển thì không giấu được vui mừng, bởi từ nay sẽ không phải chứng kiến những cảnh trượt té, va quẹt khi xe máy chạy lên cầu cũ nữa. Trong khi vợ chồng bà Loan, mở quán bún bò, hủ tiếu, giải khát phía bên xã Phước Lộc thì tràn đầy niềm tin là sớm muộn rồi khu mình ở cũng sẽ đông đúc, phát triển lên nhờ cây cầu. Gần tháng nay, xe chở hàng vô nhà cũng dễ, mà khách ghé quán cũng ngày càng nhiều lên.

Trong khi đó, dưới chân cầu An Phú Đông, nối đôi bờ sông Vàm Thuật, không khí xuân đã bắt đầu tràn ngập ở nơi từng là bến phà suốt hàng chục năm qua. Ngay khi cầu sắt khánh thành, bến phà ngừng hoạt động, vợ chồng anh Hồng Thành - chị Tuyết Anh cùng những hộ xung quanh (thuộc phường 5, quận Gò Vấp) cho đổ bê tông con đường trước nhà, trồng bông giấy, huỳnh anh rực rỡ phía mé sông. Vợ chồng còn hì hụi bê mấy chậu cây cảnh, vài món đồ chơi từ sân thượng xuống để ở “công viên” này tạo cảnh quan và chỗ vui chơi cho mọi người. Anh Thành chia sẻ, gia đình sống ở đây mấy chục năm rồi, ngày ngày chứng kiến cảnh bà con xếp hàng đợi phà, cảnh quan thì nhếch nhác ô nhiễm. “Nay có cây cầu rồi, mọi thứ sẽ khác”, anh Thành nói.

“Mọi thứ sẽ khác” cũng chính là suy nghĩ của nhiều người dân 2 bên bờ sông Vàm Thuật. Ngày tết đã cận kề, 2 chiếc phà còn in rõ số hiệu SG5964 và SG6705 nằm lặng im trên sông, trở thành nơi cho nhiều người tới ngồi chơi, câu cá. Trước ngày 31-12, 2 chiếc phà này thay nhau chở khách qua lại. Giờ cao điểm, để được lên chuyến phà hành trình chưa đầy 5 phút, có khi người dân phải chờ gần nửa tiếng đồng hồ. Đấy là nếu đi xe máy, xe đạp, còn nếu chạy xe hơi thì đành đi đường vòng. Nay, với cây cầu mới, chỉ mất vài phút để đi từ đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) sang Vườn Lài (quận 12) và ngược lại.

Nhiều nỗi mong chờ

Những cây cầu hoàn thiện, đưa vào sử dụng rõ ràng đã mở ra cơ hội mới cho giao thương, thuận lợi trong đi lại hàng ngày ở những khu vực đông dân cư. Tại TPHCM, cầu Phước Lộc, cầu sắt An Phú Đông là 2 trong số 7 công trình giao thông trọng điểm được hoàn thiện, đưa vào sử dụng trong năm 2020. Bên cạnh 2 công trình này là tuyến vận tải hành khách và du lịch từ bến Bạch Đằng - Củ Chi - Thủ Dầu Một; hầm chui An Sương; bến xe miền Đông mới giai đoạn 1; cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía Đông, đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc; tuyến vận tải hành khách, hàng hóa bằng phà biển từ Cần Giờ đi Vũng Tàu cũng được đưa vào sử dụng, tạo những bước đột phá về giao thông khu vực.

Bên cạnh đó, cũng còn tới 5 dự án chưa hoàn thành trong năm 2020, đều là những cái tên mà người dân đang mong chờ. Đó là tuyến metro số 1, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy… Trong 48 dự án thì đến nay chỉ có 13 dự án đảm bảo tiến độ, 35 dự án còn lại đều chậm, do nguyên nhân từ công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chưa quyết liệt giải quyết vướng mắc phát sinh trong thực hiện dự án…

Riêng tại huyện Nhà Bè, chỉ riêng trên tuyến đường Lê Văn Lương vẫn còn tồn tại nhiều cây cầu sắt tạm bợ, trong đó có cầu Long Kiểng suốt 20 năm qua vẫn chưa hoàn thành. Vướng mắc lớn nhất hiện vẫn là mặt bằng. Đây cũng là một trong số các dự án giao thông trọng điểm được Sở GTVT TPHCM đưa vào nhóm đã triển khai thi công, dự kiến hoàn thành năm 2021. Bên cạnh cầu Long Kiểng, còn rất nhiều cái tên mà thời gian thực hiện đã kéo dài: Cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, dự án nâng cấp đường Lương Định Của, mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp… Sở GTVT đã yêu cầu UBND các quận đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thi công, hoàn thành công trình.

Các tin khác