CEO cần hành động nắm bắt lợi ích từ các FTA

(ĐTTC) – Ngày 21-4-2016, Công ty PwC Việt Nam và VCCI đã đồng tổ chức tọa đàm CEO Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại – tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam”.

(ĐTTC) – Ngày 21-4-2016, Công ty PwC Việt Nam và VCCI đã đồng tổ chức tọa đàm CEO Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại – tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam”.

 

Tại đây, các khách mời đã cùng thảo luận về chiến lược hành động nhằm nắm bắt lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Tính đến năm 2015 Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có 9 hiệp định đã có hiệu lực.

Đáng chú ý, 2 thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới là FTA Việt Nam – EU (EVFTA) và hiệp định đối tác xuyên Thái Binh Dương (TPP) được nhận định là rộng lớn và tham vọng nhất mà Việt Nam tham gia.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam, bày tỏ quan điểm “TPP, EVFTA và các FTA khác đã mang đến cả cơ hội và thách thức, chúng đang hiện hữu ngay trước cửa từng DN. Hành động để tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách là điều quan trọng bên cạnh việc nhận diện những yếu tố này. Thực hiện điều này không hề đơn giản nhưng chúng ta cần có hành động ngay”.

Tại buổi hội thảo, ông Patrick Tay, Giám đốc tư vấn Công ty PwC Malaysia, đã chia sẻ với các CEO Việt Nam những kinh nghiệm từ thị trường Malaysia đồng thời chỉ ra 3 chiến lược DN nên theo đuổi: Luôn sẵn sàng với sự chia rẽ và bị chia rẽ; sáng tạo và chi tiêu cho nghiên cứu phát triển; theo đuổi toàn cầu hóa thông qua việc đưa tầm nhìn vượt qua DN mình, ngành nghề mình, quốc gia mình.

Hội nhập không chỉ đòi hỏi những nỗ lực của các DN mà còn cần có sự giúp sức của nhà nước. Phân tích về sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức nghề nghiệp, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, chia thành 3 nhóm: Cải cách thể chế; cải cách và hỗ trợ DN; chuẩn bị nguồn nhân lực.

Trong đó, việc cải cách thể chế cần tập trung cần tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý và hoàn thiện luật thương mại, luật xuất nhập khẩu. Việc cải cách và hỗ trợ DN bao gồm việc xây dựng luật hỗ trợ kết nối DN với giá trị toàn cầu, xử lý vấn đề tỷ giá, lãi suất và thủ tục cho vay, cho phép DN được sáng tạo, triển khai những dự án, lĩnh vực tiềm năng. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ cũng như xây dựng thị trường lao động cạnh tranh và phát triển.

Ông Thành cũng thông báo với các CEO về hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc APEC năm 2017 tại Việt Nam trong đó VCCI đóng vai trò là nhà tổ chức và PwC là đối tác tri thức của sự kiện. Hội nghị thượng đỉnh là một cơ hội quý báu để các lãnh đạo DN Việt Nam gặp gỡ, học tập, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác từ lãnh đạo của 21 nền kinh tế APEC.

Các CEO tham dự tọa đàm cũng bàn tới câu chuyện hợp tác thay vì đối đầu với các ông lớn nước ngoài khi cánh cửa hội nhập đang ngày một rộng mở. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh thêm riêng đối với các DN nhỏ hãy chú ý đến việc liên kết trong nước trước khi nghĩ đến việc bắt tay với những người khổng lồ. Các chuyên gia và DN cũng cùng nhau phân tích về những cơ hội và thách thức. Tấn công chính là cách tự vệ tốt nhất, CEO Việt Nam cần hành động ngay để nắm bắt lơi ích đến từ các FTA chính là điều nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình.

Các tin khác